XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO KHI TÔM BỊ NHIỄM ĐỘC Ở GAN?

Gan tụy tôm là một trong những cơ quan quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình bài tiết, tham gia điều khiển quá trình tiền lột xác. Bên cạnh đó, một vai trò rất quan trọng của gan là việc loại bỏ các chất độc sinh ra trong quá trình trao đổi chất, độc tố do nấm mốc và kháng sinh gây ra khi điều trị bệnh nhiễm khuẩn trên tôm. Tại gan, những chất độc này được chuyển hóa thành những chất không độc, trước khi loại thải ra khỏi cơ thể, bằng một loạt các phản ứng sinh hóa phức tạp.  

Xử lý như thế nào khi tôm bị nhiễm độc ở gan

Theo thống kê từ kết quả nghiên cứu trên 40 mẫu tôm bị bệnh (bỏ ăn, lờ đờ, gan tụy thay đổi hình dạng và màu sắc, ruột rỗng nhưng vẫn còn sống) thì có đến 87.5%  cá thể tôm mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, tụy và đặc biệt là gan (Tạp chí Khoa học – Công nghệ Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang, số 01/2016). Nhiễm độc gan là một trong những bệnh lý chủ yếu gây nên hội chứng tử vong sớm (EMS) ở tôm nuôi.

  • Một số triệu chứng khi tôm bị nhiễm độc

Tôm thường bị nhiễm độc gan trong khoảng thời gian từ 10 đến 45 ngày sau khi thả nuôi, mùa mưa dễ phát bệnh hơn mùa nắng. Một số triệu chứng cụ thể:

  • Màu sắc thân bị biến đổi: màu nhợt nhạt xuất hiện ở giống tôm thẻ, màu đỏ sẫm, nâu sẫm ở giống tôm sú.
  • Vỏ bị óp, mềm
  • Tôm kém ăn, bỏ ăn
  • Tôm còi cọc, chậm lớn
  • Đi phân trắng
  • Đường ruột trống rỗng không có thức ăn hoặc bị đứt khúc
  • Màu sắc gan, tụy nhợt nhạt (hoặc màu nâu sẫm, đen)
  • Gan teo nhỏ lại, chai cứng, khó vỡ nếu bóp phần gan bằng ngón trỏ và ngón cái
  • Tôm yếu dần, có xu hướng bơi tấp vào mé
  • Tôm chết rải rác hoặc hàng loạt và chìm xuống đáy ao 

Triệu chứng tôm bị nhiễm độc ở gan

  • Nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chức năng gan tụy

Ø  Sử dụng kháng sinh cho tôm quá mức 

  • Việc phối hợp cùng lúc 2, 3 loại kháng sinh để điều trị bệnh, nhưng không nắm rõ cơ chế phối hợp thuốc, chưa nắm rõ được các yếu tố như hoạt tính dược lực, chỉ định sử dụng, đặc biệt là tương tác thuốc giữa các nhóm kháng sinh, đề kháng kháng sinh, thu hẹp phổ kháng khuẩn khiến cho việc điều trị không những không hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm.
  • Lạm dụng thuốc kháng sinh đã làm tổn hại đến chức năng gan tuỵ của tôm. Do thời gian sử dụng kháng sinh kéo dài, không tập trung giải độc, phục hồi chức năng gan tuỵ, làm gan bị chai, bở, teo nhỏ, chuyển màu vàng, gây rối loạn chức năng hoạt động.  Gan tuỵ tôm không thể hấp thu, không thể chuyển hoá thức ăn, mất chức năng biến dưỡng protein của gan. Gan mất khả năng chuyển hoá các độc tố, mất khả năng lọc, ngăn chặn các chất độc hại vào cơ thể tôm. 

Ø  Do tôm bị stress 

  • Khi thả tôm xuống ao, trong điều kiện các yếu tố môi trường chưa phù hợp có thể gây stress cho tôm. Hoặc là khi chuyển tôm sang môi trường mới, việc chuẩn bị môi trường mới chưa tốt, tôm chưa làm quen được cũng là nguyên nhân gây stress. Khi dịch bệnh thâm nhập vào ao nuôi, việc điều trị không mang lại kết quả, bệnh bùng phát, cũng tác động gây stress tôm. Và còn rất nhiều lý do khác khiến cho tôm bị stress. 

Ø  Cơ địa của tôm nuôi

  • Nếu chọn giống tôm kém chất lượng, yếu ớt sẽ ảnh hưởng đến năng suất nghiêm trọng. Ngoài ra việc bổ sung các loại thực phẩm tăng cường chức năng gan kém chất lượng, liều lượng không phù hợp cũng có thể gây ra gan nhiễm độc.

Ø  Chất lượng thức ăn

  • Cho tôm ăn các loại thức ăn kém chất lượng, quá hạn sử dụng, thức ăn bị nấm mốc hoặc có thành phần dinh dưỡng thiếu cân đối giữa các nhóm chất như vitamin, chất béo, protein dễ khiến gan bị viêm, phù nề, ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm.
  • Không phải cho tôm ăn càng nhiều thức ăn bổ dưỡng (đạm, chất béo, năng lượng) càng tốt. Đây là hiểu lầm nhiều người mắc phải khi nuôi tôm thương phẩm. Hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn cao sẽ tạo ra gánh nặng cho gan, tụy vì chúng phải hoạt động nhiều hơn dẫn đến tình trạng suy gan, viêm gan.

 

Nguyên nhân tôm bị nhiễm độc ở gan 

Chất lượng môi trường nước

  • Các loại vi sinh vật có trong nước – môi trường sống của tôm – cũng là một trong những nguyên nhân khiến gan tôm bị nhiễm độc. 3 loại vibrio (vi khuẩn gram âm) alginolyticus, V. vulnificusV. parahaemolyticus (tác nhân chính gây bệnh hoại tử gan – tụy) là tác nhân chính gây nên bệnh gan ở tôm. \
  • Trong quá trình nuôi cũng cần theo dõi sát sao chất lượng nước trong đầm tôm để phát hiện kịp thời sự sinh sôi của các loại tảo, rêu, mốc vì chúng là nguồn độc tố nguy hiểm gây rối loạn chức năng gan.

 Cách xử lý tôm bị nhiễm độc gan

+ Sử dụng thuốc kháng sinh trong mức độ cho phép

Về nguyên tắc sử dụng kháng sinh, để việc điều trị bằng kháng sinh đạt hiệu quả cần phải tìm hiểu về các loại kháng sinh, xác định kháng sinh có hiệu quả với chủng gây bệnh cụ thể hay không. Quan trọng là chúng ta sử dụng đúng thuốc, đúng mục đích, dùng đúng liều lượng, tuân thủ thời gian ngưng thuốc và tuyệt đối không dùng thuốc cấm.

Về môi trường, nên chủ động kiểm soát thông qua việc thay nước mới, vệ sinh đáy ao thường xuyên, tăng cường quạt nước, oxy sủi, cung cấp đủ oxy để tôm hoạt động, phát triển. Nên dùng thường xuyên chế phẩm sinh học và xử lý nguồn nước, đáy ao.  

+ Sử dụng các thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho tôm có chứa các chất hỗ trợ gan 

Các chất được sử dụng phổ biến cho tôm như Sorbitol, Inositol, Choline và Methionine. Sorbitol có vai trò kích thích sự tiết mật và các enzyme tiêu hóa, giúp quá trình tiêu hóa thức ăn đạt hiệu quả cao hơn.

Khi phát hiện tôm bị nhiễm độc trong giai đoạn đầu, chúng ta có thể phối trộn thảo dược giải độc gan cho tôm BP Sorbi, hỗ trợ chức năng gan, tăng cường sức đề kháng  vào thức ăn. Đồng thời kết hợp thêm chế phẩm vi sinh đáy ao BZT để duy trì tính cân bằng của hệ sinh thái trong nguồn nước và giảm thiểu các chất thải hữu cơ, kìm hãm sự phát triển của các vibrio gây bệnh gan.

Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Người nuôi cần chủ động sát khuẩn, vệ sinh ao, hồ, đầm nuôi trước và sau mùa vụ, thay nước định kỳ, chọn mua thức ăn chất lượng tốt, xây dựng khẩu phần ăn khoa học  để duy trì sức khỏe cho đàn tôm, đảm bảo năng suất.

KÍNH CHÚC QUÝ BÀ CON BỘI THU

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Zalo