Sử dụng kết hợp men vi sinh hiệu quả hơn trong nuôi tôm thẻ

Một báo cáo của các nhà khoa học Đài Loan (Yu-Chu Wang và công sự, 2019) vừa được đăng trên tạp chí Fish and Shellfish immunology cho thấy việc sử dụng kết hợp nhiều loại men vi sinh sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho người nuôi so với việc sử dụng đơn lẻ từng loại.

Men vi sinh là gì?

Từ lâu, chế phẩm sinh học (men vi sinh – probiotics) đã trở thành một trong những lựa chọn hiệu quả để mang lại thành công cho nuôi trồng thủy sản nhờ vào khả năng thay thế thuốc kháng sinh, có thể ức chế mầm bệnh, cải thiện chất lượng nước, tăng cường miễn dịch và tăng trưởng của động vật.

“Probiotics” có nguồn gốc từ các từ Hy Lạp “pro” và “bios”, có nghĩa là “cho cuộc sống”, do đó chúng được coi là vi sinh vật có lợi. “Probiotic” được định nghĩa là một chất bổ sung thức ăn bằng vi sinh vật sống có lợi đến động vật chủ, giúp cải thiện cân bằng vi sinh vật của vật chủ. Một số vi sinh vật hiện đang được sử dụng như chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản có thể kể đến là Saccharomyces, Debaryomyces, Bacillus, Lactococcus, Micrococcus, Enterococcus, Lactobacillus, Photorhodobacterium, v.v..

 

Một số chủng vi sinh có lợi. Ảnh nguồn: aqtinfo.com

Nhiều nghiên cứu trước đây đã cho thấy, việc sử dụng đơn lẻ từng loại men vi sinh đôi khi không thể mang lại kết quả tối ưu nhất và phải tùy thuộc vào từng đối tượng thủy sản để đưa ra liều lượng hợp lý. Ở người, hỗn hợp probiotics được coi là hiệu quả hơn so với một chủng vi khuẩn đơn thuần. Điều này đã được các nhà khoa học áp dụng thành công trên tôm thẻ chân trắng.

Công thức kết hợp các chủng vi khuẩn

Hỗn hợp chủng men vi sinh gồm B. subtilis E20, Lac. Pentosus BD6, Lac. fermentum LW2 và S. cerevisiae P13 với tác dụng hiệp đồng giúp cải thiện hiệu suất tăng trưởng, đáp ứng miễn dịch và kháng bệnh của cá chẽm châu Á (Lates calcarifer) chống lại Aeromonas hydrophila đã được sử dụng trong nghiên cứu này, với đối tượng là tôm thẻ chân trắng.

Trong đó, B. subtilis E20 được phân lập từ natto (những hạt đậu nành đã luộc chín được ủ với enzyme). Lac. Pentosus BD6, Lac. fermentum LW2 và Saccharomyces cerevisiae P13 được phân lập tương ứng từ phân chim bồ câu, nước hồ và quả đào lên men. Hỗn hợp này trải qua quá trình nuôi cấy và xử lý để tạo thành bột men vi sinh, sau đó hỗn hợp được trộn vào thức ăn và cho tôm ăn 2 lần/ngày.

Lợi ích của từng chủng vi khuẩn

Hầu hết, tất cả các chủng vi khuẩn Bacillus, Lac. plantarum và nấm men S. cerevisiae đều được sử dụng rất phổ biến trong nuôi trồng thủy sản, nhờ khả năng kích thích phản ứng miễn dịch, tăng cường hoạt động của enzyme tiêu hóa, tăng khả năng kháng bệnh và gia tăng tốc độ tăng trưởng của nhiều loài thủy sản khác nhau (tôm thẻ chân trắng, lươn, cá rô phi, cá hồi, động vật 2 mảnh vỏ…). Riêng dòng lợi khuẩn Lactobacillus fermentum vẫn chưa được sử dụng nhiều trong thủy sản nhưng đã được ứng dụng nhiều vào việc phòng chống một số bệnh về đường tiêu hóa trên người nhờ cơ chế kháng khuẩn, khả năng chống oxy hóa cao và tăng cường hoạt động hệ miễn dịch.

Hiệu quả của sự kết hợp

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau 56 ngày nuôi, các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng hỗn hợp men vi sinh ở nồng độ 108 mang lại hiệu quả cao nhất cho người nuôi. Ở mức liều lượng này, sự tăng trưởng và tình trạng sức khỏe của tôm được cải thiện đáng kể so với nhóm đối chứng và nhóm sử dụng men vi sinh đơn lẻ, đồng thời chất lượng và thành phần thịt tôm (ẩm độ, protein thô, lipid thô và tro) không có sự khác biệt. Thêm vào đó, hệ thống miễn dịch của tôm khi sử dụng hỗn hợp vi sinh dường như hoạt động hiệu quả hơn, biểu hiện bằng sự gia tăng hoạt động của lysozyme, phenoloxidase (một cơ chế bảo vệ cơ thể chống lại các kháng nguyên từ bên ngoài) và tăng cường các phản ứng oxy hóa. Chính vì vậy, sau 7 ngày gây cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio alginolyticus, tôm được cho ăn hỗn hợp men vi sinh có tỷ lệ sống cao hơn và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với đối chứng (tương ứng là 60% và 27%), không có sự khác biệt so với nhóm sử dụng riêng rẻ từng chủng vi sinh.

Trong khi đó, việc sử dụng riêng lẻ từng loại men vi sinh chỉ mang lại hiệu quả tối ưu ở một số chỉ tiêu máu tôm. Cụ thể, ở nghiệm thức sử dụng B. subtilis E20, mặc dù hoạt động của phenoloxidase của tôm cao nhất so với các nhóm còn lại (bao gồm cả nhóm hỗn hợp vi sinh) nhưng hoạt động oxy hóa lại rất thấp. Tương tự, mức độ phản ứng oxy hóa trong máu tôm ở nghiệm thức sử dụng Lac. Pentosus BD6 thấp nhưng hoạt động của men phenoloxidase và lysozyme cao. Nghiệm thức Lac. fermentum LW2 và nghiệm thức S. cerevisiae P13 đều cho thấy hoạt động của phenoloxidase và phản ứng oxy hóa thấp, nhưng việc sử dụng LW2 làm cho hàm lượng lysozyme trong máu tôm cao và P13 làm cho hàm lượng lysozyme thấp nhất.

Như vậy, sử dụng hỗn hợp 4 chủng vi sinh gồm B. subtilis E20, Lac. Pentosus BD6, Lac. fermentum LW2 và S. cerevisiae P13 mang lại hiệu quả trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ đưa ra những đánh giá về hiệu quả sử dụng trong điều kiện thí nghiệm, cần phát triển kết quả vào điều kiện thực địa, kết hợp với việc phân tích các chỉ tiêu về chất lượng nước, chất lượng bùn đáy ao để đưa ra kết quả hoàn thiện hơn.

Trích Tép Bạc

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Zalo