Xuất khẩu thủy sản, bột cá “phá băng”, mang về 9,6 tỉ USD trong năm 2021

Vượt xa kế hoạch ban đầu, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt gần 9,6 tỉ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,89 tỉ USD, xuất khẩu thủy sản cả năm 2021 ước tăng 4,6% so kế hoạch (8,5 tỉ USD). Nếu tính cả bột cá và thức ăn thủy sản (685,2 triệu USD), tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 9,57 tỉ USD, bằng 107,6% so với năm 2020 (tổng là 8,89 tỉ USD).

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ:  Mặc dù trong điều kiện chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng Tổng cục Thủy sản thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các địa phương, chủ động, kịp thời báo cáo Bộ NNPTNT hướng dẫn, chỉ đạo địa phương các giải pháp linh hoạt, phù hợp trong sản xuất (điều chỉnh mùa vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản; tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng, đảm bảo công tác phòng chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất…) duy trì tăng trưởng, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản và tổng sản lượng thủy sản năm 2021 tăng so với 2020, đạt được chỉ tiêu đề ra.

“Ước sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2021 đạt 931 nghìn tấn (tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó sản lượng tôm sú đạt 265 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 666 nghìn tấn. Về nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển), năm 2021 đạt khoảng 8.000 nghìn mét khối lồng, tổng sản lượng 648 nghìn tấn, tăng 8% so với năm 2020, trong đó: Cá biển 38 nghìn tấn; tôm hùm 2,1 nghìn tấn; nhuyễn thể 380 nghìn tấn; đối tượng khác 228 nghìn tấn.

“Trong năm 2021, sản xuất tôm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ  các hiệp định FTA, EVFTA đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến thủy sản” – ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.https://media-cdn.laodong.vn/Storage/NewsPortal/2021/12/24/988028/Thuy-San-2021-2030.jpg

Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu trong thời gian tới. Nguồn: TTXVN

Các chuyên gia kinh tế, thương mại nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 làm “đóng băng” các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng 7,8,9.2021, nhưng khi mở cửa trở lại, các doanh nghiệp thủy sản đã hồi phục mạnh mẽ để đạt được kết quả xuất khẩu ngoạn mục. Một USD xuất khẩu đạt được trong bối cảnh này giá trị gấp nhiều lần so với ở thời điểm bình thường trước khi dịch COVID-19 xảy ra.

“Kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành thủy sản tăng trưởng khá mạnh mẽ trong các tháng cuối năm nhờ hỗ trợ từ Nghị quyết 128/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn bủa vây, thể hiện khả năng chống chịu mạnh mẽ của doanh nghiệp và quyết tâm cao độ của đội ngũ doanh nhân. Trong bối cảnh chung, ngành thủy sản luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con ngư dân trên cả nước” – Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đánh giá.

Ước năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 3,01% so với năm 2020, tổng sản lượng đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020  (8,64 triệu tấn), trong đó sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% với năm 2020 (3,88 triệu tấn), nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1% với năm 2020 (4,76 triệu tấn).

Phát triển ngành thủy sản trong những năm bản lề giai đoạn mới

Theo ông Trần Đình Luân, năm 2020-2021 là năm bản lề, kết thúc kỳ trung hạn 2016-2020 và khởi đầu kỳ trung hạn 2021-2025, tổng cục đã quyết liệt trong công tác triển khai xây dựng, thực hiện các Chương trình, đề án, kế hoạch, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành thủy sản mà Chiến lược triển thủy sản giai đoạn 2021-2030 đã đề ra.

Năm 2022, Tổng cục Thủy sản tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương thực hiện các quy định của Luật Thủy sản 2017, các nhiệm vụ, giải pháp Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, tập trung cao nhất cho chỉ đạo sản xuất theo định hướng tại Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

“Năm 2022, dịch bệnh COVID-19 có khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,9 tỉ USD, bằng 100,1% so với 2021. Diện tích nuôi trồng thủy sản ở mức 1,3 triệu hecta; tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,73 triệu tấn, tăng nhẹ so với năm 2021; các sản phẩm quốc gia như: Sản lượng cá tra 1,6 triệu tấn; tôm nước lợ 950 nghìn tấn, trong đó, tôm sú 275 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 675 nghìn tấn…” – Tổng cục trưởng Trần Đình Luân thông tin.

VŨ LONG

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Zalo