Ứng dụng Bacillus amyloliquefaciens ở quy mô sản xuất cá tra giống

Nghiên cứu đánh giá tác dụng của chủng Bacillus amyloliquefaciens đến chất lượng cá tra giống.

Cá tra là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản xuất và tiêu thụ cá tra đang gặp một số khó khăn nhất định như giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá cá nguyên liệu đang ở mức thấp và thị trường tiêu thụ chưa ổn định, song song với đó là tình hình dịch bệnh kéo dài vẫn là vấn đề chưa khắc phục được của các vùng nuôi. Hầu hết các vùng nuôi đều xuất hiện bệnh phổ biến trên cá tra, nhất là bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri và bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra.

Cá tra giống (hình ảnh minh họa)

Hiện nay, việc ứng dụng vi sinh vật có lợi để kiểm soát sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh, tăng đề kháng của cá và xử lý môi trường là một trong những biện pháp phòng bệnh đang được quan tâm.

Vi khuẩn probiotic có khả năng sản sinh ra nhiều loại bacteriocin khác nhau (ở dạng peptide nhỏ hoặc protein lớn), hoặc các hợp chất kháng khuẩn để kìm hãm các tác nhân gây bệnh hoặc những đối thủ cạnh tranh khác. Bên cạnh đó, một số chủng probiotic có thể tiết ra acid hữu cơ và acid béo dễ bay hơi (ví dụ: acid lactic, acid butyric, acid propopionic) làm giảm pH đường ruột, từ đó ngăn ngừa được các tác nhân gây bệnh cơ hội. Khi bổ sung vi khuẩn probiotic vào ao nuôi, sức khỏe của động vật thủy sản sẽ được cải thiện thông qua việc loại bỏ các tác nhân gây bệnh hoặc ít nhất là giảm thiểu tác động của các tác nhân gây bệnh bằng cách cải thiện chất lượng nước (Moriarty và cs., 1998). Các nghiên cứu còn chứng minh được rằng khi bổ sung vi khuẩn có lợi vào nước ao nuôi cũng giúp tăng hiệu suất tăng trưởng và cải thiện hệ miễn dịch của động vật thủy sản (Wang và cs., 2000; Rao và cs., 2007).

Ngoài ra, các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy việc bổ sung các vi sinh vật có lợi trong giai đoạn ương cá bột (ấu trùng) cho động vật thủy sản có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa vì chúng hỗ trợ quá trình sinh tổng hợp các enzym ngoại bào (protease, amylase, lipase) cũng như cung cấp các yếu tố tăng trưởng (vitamin, acid béo và các amino acid) do đó giúp các chất dinh dưỡng được hấp thụ hiệu quả hơn (El-Haroun và cs., 2006). Một số vi khuẩn probiotic như B. toyoi, B. subtilis, L. acidophilus, L. bugaricus,… sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, kích thích khả năng tăng trưởng, tăng tỷ lệ sống của cá (Enyidi và Onuoha, 2016). Chính vì vậy, trong nghiên cứu này, khả năng ứng dụng chủng B. amyloliquefaciens trong quy trình sản xuất cá tra giống được khảo sát ở hộ nuôi thuộc tỉnh An Giang. Đây là một bước đánh giá quan trọng để phát triển chế phẩm B. amyloliquefaciens phòng ngừa bệnh.

Chủng B. amyloliquefaciens có các ưu điểm sau: không gây hại cho người và vật chủ; đối kháng mạnh với E. ictalrui (tác nhân gây bệnh gan thận mủ) và A. hydrophila (tác nhân gây bệnh xuất huyết); ức chế sự phát triển của E. ictaluri trong môi trường nuôi; có thể sinh trưởng và phát triển cũng như duy trì tính đối kháng ở các điều kiện khắc nghiệt (pH 5-9, NaCl 1-6%, muối mật 2%) và tiết các enzym ngoại bào (amylase, cellulase, protease) (Lê Lưu Phương Hạnh và cs., 2015).

Thử nghiệm đánh giá hiệu quả sử dụng chủng B. amyloliquefaciens được tiến hành trên quy mô đồng ruộng tại hộ nuôi cá tra ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Thử nghiệm này được tiến hành 02 đợt, mỗi đợt kéo dài 2 tháng, với 2 nghiệm thức: nghiệm thức thử nghiệm (có sử dụng chủng B. amyloliquefaciens) và nghiệm thức đối chứng (không sử dụng chủng B. amyloliquefaciens).

Kích thước cá tra sử dụng trong thử nghiệm là cá bột mới nở. 

Dịch khuẩn B. amyloliquefaciens được hòa với 20 L nước ao và tạt đều khắp mặt ao trước khi thả bột 24h. Việc bổ sung B. amyloliquefaciens vào ao được tiến hành định kỳ 1 tuần/ lần, trong 2 tuần tiếp theo.

Kết quả

Sau 40 ngày nuôi, chất lượng cá tra và nước ao được cải thiện, tỷ lệ sống của cá ở nghiệm thức thử nghiệm là 28,8%, kích cỡ cá 160 con/kg. Trong khi ở ao đối chứng là 7,2%, kích cỡ cá 150 con/kg. Trọng lượng và kích thước trung bình của cá thử nghiệm lần lượt là 1,45±0,52g và 53,27±7,1mm, tăng 12,40% và 5,55% so với nhóm đối chứng (1,29±1,18g; 50,53±11,16mm). 

Môi trường nước ao phù hợp cho động vật phù du sinh trưởng và phát triển, đảm bảo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá tra sử dụng. Trong suốt quá trình ương, hộ nuôi hầu như không sử dụng thêm chế phẩm sinh học bên ngoài để cải thiện chất lượng nước.

Nhìn chung, những kết quả thu nhận được đã chứng minh rằng chủng B. amyloliquefaciens có hiệu quả trong việc cải thiện chất lượng cá tra, tăng sức đề kháng cho cá và nâng cao chất lượng môi trường ao nuôi khi sử dụng ở quy mô đồng ruộng. Đây là những cơ sở dữ liệu quan trọng để phát triển chế phẩm vi sinh phòng ngừa bệnh gan thận mủ cho cá tra bằng chủng B. amyloliquefaciens.

Trích Tép Bạc

Chia sẻ bài viết:
BÀI VIẾT KHÁC
58
MÔI TRƯỜNG NƯỚC NUÔI ẢNH HƯỞNG ĐẾN SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TÔM
CREATOR: gd-jpeg v1
HIỆN TƯỢNG “TẢO NỞ HOA” LÀ GÌ? THIỆT HẠI GÂY RA TRONG AO TÔM
4
HIỆN TƯỢNG SỐC TRÊN TÔM VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
2
GIẢI PHÁP DIỆT RONG NHỚT, RONG ĐÁ TRONG VUÔNG TÔM
CREATOR: gd-jpeg v1
ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI NUÔI TÔM TRONG MÙA NẮNG GẮT
58
MÔI TRƯỜNG NƯỚC NUÔI ẢNH HƯỞNG ĐẾN SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TÔM
CREATOR: gd-jpeg v1
HIỆN TƯỢNG “TẢO NỞ HOA” LÀ GÌ? THIỆT HẠI GÂY RA TRONG AO TÔM
4
HIỆN TƯỢNG SỐC TRÊN TÔM VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
2
GIẢI PHÁP DIỆT RONG NHỚT, RONG ĐÁ TRONG VUÔNG TÔM
CREATOR: gd-jpeg v1
ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI NUÔI TÔM TRONG MÙA NẮNG GẮT
NGUYÊN LIỆU
DANH MỤC SẢN PHẨM