​Quy định điều kiện đầu tư kinh doanh thủy sản

Theo nghị định, điều kiện đầu tư sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản bao gồm: có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, công nghệ thực phẩm đối với thức ăn chăn nuôi; chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, công nghệ thực phẩm đối với thức ăn thủy sản.

Nghị định số 66/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ các điều kiện đầu tư kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản cũng như điều kiện đầu tư kinh doanh nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Theo nghị định, điều kiện đầu tư sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản bao gồm: có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, công nghệ thực phẩm đối với thức ăn chăn nuôi; chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, công nghệ thực phẩm đối với thức ăn thủy sản. Cơ sở có tường, rào ngăn cách với bên ngoài. Khu vực sản xuất bố trí thiết bị theo quy tắc một chiều, tách biệt giữa các khu vực từ nguyên liệu đầu vào, khu sản xuất, khu sản phẩm cuối cùng.

Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện buôn bán thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Cụ thể, phải có kho, thiết bị, dụng cụ để bảo quản sản phẩm; có nơi bày bán thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản tách biệt với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại; phòng, chống côn trùng, động vật gây hại.

Về điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, Nghị định nêu rõ, phải có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học đối với cơ sở khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi; chuyên ngành về nuôi trồng thủy sản đối với cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản.

Về điều kiện đầu tư sản xuất giống thủy sản, Nghị định yêu cầu có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản; có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; có nơi xử lý chất thải.

Về điều kiện đầu tư nuôi trồng thủy sản, đối với cơ sở nuôi trong ao hoặc bể cần có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; có nơi xử lý chất thải. Đối với cơ sở nuôi lồng, bè cần có dụng cụ thu gom, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, cần đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 19 Nghị định này.

Về điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm giống thủy sản, Nghị định yêu cầu phải có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản; có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; có nơi xử lý chất thải.

Còn về điều kiện đầu tư khai thác thủy sản, thuyền trưởng, máy trưởng phải có bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng tư đối với tàu cá từ 400 CV trở lên; hạng năm đối với tàu cá từ 90 CV đến dưới 400 CV; hạng nhỏ đối với tàu cá từ 20 CV đến dưới 90 CV. Có tàu cá được cơ quan đăng kiểm tàu cá chứng nhận đủ điều kiện an toàn kỹ thuật đối với tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 15m trở lên không lắp máy hoặc có lắp máy mà tổng công suất máy chính từ 20 CV trở lên.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Zalo