Phòng bệnh hoại tử gan tụy trên tôm

Đối với tôm thẻ chân trắng, các chỉ tiêu chất lượng nước đều rất quan trọng, trong đó đáng chú ý là sự thay đổi của nhiệt độ và độ mặn của nước ao. Bởi đây là hai yếu tố thiết yếu ảnh hưởng đến tính mẫn cảm của tôm với mầm bệnh, đặc biệt là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.

Tôm nhiễm AHPND (bên dưới) có gan tụy màu nhạt so với tôm bình thường (bên trên

Ảnh hưởng

Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tăng nhanh về sản lượng và diện tích nuôi góp phần tăng lợi nhuận cho người dân, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng về diện tích nuôi và mức độ thâm canh hóa càng cao đã làm cho môi trường bị suy thoái. Hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ nước tăng (Delorenzo, 2015) gây ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi chất, tăng trưởng và sinh lý của tôm, đồng thời tác động lên các chỉ tiêu môi trường nước ao nuôi tôm, gây biến động đến mật độ vi sinh vật trong nước, khi nhiệt độ tăng, sự phát triển của nhóm vi khuẩn Vibrio sẽ tăng và gây bệnh cho tôm (DePaola et al., 2003).  Bên cạnh đó, vấn đề xâm nhập mặn ngày càng trở nên nghiêm trọng. Độ mặn cao sẽ gây biến đổi một số thông số môi trường như pH, độ kiềm. Nếu tôm nuôi có độ mặn quá cao, trên mức chịu đựng, tôm sẽ còi cọc, chậm lớn, thậm chí là sốc và chết hàng loạt.

Trong số các bệnh nguy hiểm ở tôm nuôi, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra (Tran et al., 2013) là bệnh gây nhiều thiệt hại cho người nuôi tôm do bệnh lây lan nhanh và tỷ lệ gây chết cao (Đặng Thị Hoàng Oanh và Nguyễn Thanh Phương, 2012). V. parahaemolyticus là loài vi khuẩn phổ biến ở môi trường nước vùng cửa sông và ven biển. Vi khuẩn này cũng sống ở đường tiêu hóa tôm và gây bệnh khi hệ thống miễn dịch của tôm yếu đi hoặc khi mật độ của chúng ở đường tiêu hóa của tôm cao (Khimmakthong and Sukkarun, 2017).

Theo PGS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ, bệnh hoại tử gan tụy xuất hiện ở cả tôm sú và tôm thẻ chân trắngsau 10 – 45 ngày thả giống, tỷ lệ chết lên đến 100% ở những ao bệnh nặng. Bệnh xảy ra mọi thời điểm trong năm với cao điểm từ tháng 4 tới tháng 7. Khi bị bệnh, tôm có dấu hiệu lờ đờ, bỏ ăn, gan tụy teo lại và có màu sắc nhợt nhạt, kèm theo các dấu hiệu mềm vỏ, sẫm màu, có đốm trên vỏ đầu ngực. Theo khảo sát, tỷ lệ nhiễm AHPND dường như cao hơn tại các trại nuôi có độ mặn cao, độ pH cao; trong mùa khô với nhiệt độ cao. Đã có sự tương quan giữa mật độ vi khuẩn Vibrio và hai yếu tố là nhiệt độ, độ mặn cao dẫn tới việc bùng phát AHPND. Cụ thể, nhiệt độ ảnh hưởng đến sự mẫn cảm của tôm thẻ chân trắng với vi khuẩn V. parahaemolyticus, ở nhiệt độ nước từ 300C trở lên, mật độ vi khuẩn V. parahaemolyticus tăng làm tỷ lệ tôm chết tăng. Cùng đó, tôm thẻ chân trắng mẫn cảm với APHND (tỷ lệ chết tích lũy cao, thời gian chết trung bình ngắn) khi nuôi ở độ mặn từ 20 ppt đến 35 ppt, so với độ mặn thấp hơn (10 và 15 ppt).

Giải pháp

Bệnh hoại tử gan tụy ít khi xảy ra ở độ mặn thấp (dưới 10‰), vì vậy nước khi thả cần duy trì độ mặn 15 – 20‰; sau đó, cấp thêm nước ngọt hạ độ mặn dần xuống dưới 10‰. Do vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy ưa phát triển ở môi trường đáy ao nên khi chuẩn bị ao cần thiết kế một khu vực trũng gom chất thải giữa ao (1 – 2% diện tích) và định kỳ xiphong (5 – 7 ngày/lần) giúp đáy ao luôn sạch. Cùng đó, PGS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh cho biết, để phòng bệnh hoại tử gan tụy, người nuôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như cải tạo ao nuôi thật kỹ trước khi thả giống, không nên thả tôm vào lúc giao mùa để tránh trường hợp độ mặn giảm đột ngột. Trong công tác chọn giống, nên chọn tôm ở những cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, có địa chỉ rõ ràng; giống trước khi thả nuôi phải được kiểm dịch, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm, giống có kích thước lớn đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Yêu cầu phải có ao lắng để xử lý nước trước khi bơm vào ao. Trong suốt vụ nuôi, hạn chế tối đa quá trình thay nước, cho ăn vừa phải, sử dụng thức ăn có chất lượng cao và tăng sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung men vi sinh, Vitamin C…

 

Mật độ vi khuẩn V. parahaemolyticus từ mẫu nước và gan tụy tôm thí nghiệm sau 2 ngày cảm nhiễm (Đặng Thị Hoàng Oanh và cộng sự, 2020)

Kháng kháng sinh đơn được thử nghiệm là tương đối hiếm. Phần lớn các chủng phân lập được thử nghiệm cho thấy, khả năng kháng nhiều hơn một loại kháng sinh được thử nghiệm. Vì vậy, điều trị bằng kháng sinh thường không hiệu quả và do đó sẽ làm tăng tính kháng kháng sinh và tăng vấn đề liên quan đến dư lượng kháng sinh không được kiểm soát. Trường hợp sử dụng kháng sinh, người nuôi chỉ sử dụng thuốc kháng sinh nhạy với V. parahaemolyticus và sử dụng đúng liều. Các chủng V. parahaemolyticus gây bệnh AHPND có tỷ lệ kháng khá cao với amoxicillin (80,85%) và ampicillin (78,72%), vì vậy không nên sử dụng hai loại kháng sinh này trong điều trị bệnh AHPND do V. parahaemolyticus (Lê Hồng Phước và cs., 2017).


Nguồn Thủy Sản Việt Nam

Chia sẻ bài viết:
BÀI VIẾT KHÁC
4
HIỆN TƯỢNG SỐC TRÊN TÔM VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
2
GIẢI PHÁP DIỆT RONG NHỚT, RONG ĐÁ TRONG VUÔNG TÔM
CREATOR: gd-jpeg v1
ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI NUÔI TÔM TRONG MÙA NẮNG GẮT
CREATOR: gd-jpeg v1
NHU CẦU DINH DƯỠNG CỦA TÔM TRONG GIAI ĐOẠN LỘT XÁC
CREATOR: gd-jpeg v1
TẦM QUAN TRỌNG CỦA YẾU TỐ ĐỘ MẶN TRONG AO TÔM
4
HIỆN TƯỢNG SỐC TRÊN TÔM VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
2
GIẢI PHÁP DIỆT RONG NHỚT, RONG ĐÁ TRONG VUÔNG TÔM
CREATOR: gd-jpeg v1
ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI NUÔI TÔM TRONG MÙA NẮNG GẮT
CREATOR: gd-jpeg v1
NHU CẦU DINH DƯỠNG CỦA TÔM TRONG GIAI ĐOẠN LỘT XÁC
CREATOR: gd-jpeg v1
TẦM QUAN TRỌNG CỦA YẾU TỐ ĐỘ MẶN TRONG AO TÔM
NGUYÊN LIỆU
DANH MỤC SẢN PHẨM