NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NHÓM VI KHUẨN VIBRO

Vibro là gì?

Vi khuẩn Vibrio trên môi trường TCBS

Giống Vibrio thuộc họ Vibrionaceae, bộ Vibrionales, lớp Gammaproteobacteria, ngành Proteobacteria. Đặc điểm chung các loài vi khuẩn thuộc giống Vibrio: Gram âm, hình que thẳng hoặc hơi uốn cong, kích thước 0,3-0,5 x 1,4-2,6 μm. Chúng không hình thành bào tử và chuyển động nhờ một tiên mao hoặc nhiều tiên mao mảnh.

Tất cả chúng đều yếm khí tuỳ tiện và hầu hết là oxy hoá và lên men trong môi trường O/F Glucose. Thiosulphate citrate bile salt agar TCBS là môi trường chọn lọc của Vibrio. Hầu hết các loài đều phát triển trong môi trường nước biển cơ bản, Na+ kích thích cho sự phát triển của tất cả các loài Vibrio và nhiều loài là nhu cầu tuyệt đối, chúng không phát triển trong môi trường không muối (NaCl), không sinh H2S. Chúng mẫn cảm với Vibriostat 2,4 diamino-6,7 diisopropyl pteridine phosphate. Cơ bản chúng đều sống trong môi trường nước, đặc biệt là nước biển và cửa sông, liên quan đến các động vật biển. một số loài là tác nhân gây bệnh cho người và động vật biển. Tương tự Aeromonas trong nước ngọt thì Vibrio ở trong nước biển.

Những loài gây bệnh cho động vật thuỷ sản là: V. alginolyticus; V. anguillarum; V. ordalii; V. salmonicida, V. parahaemolyticus, V. harvey, V. vulnificus….

Ảnh hưởng của vi khuẩn Vibrio đến tôm

Vi khuẩn Vibrio gây ra nhiều triệu chứng bệnh lý khác nhau trên tôm, tùy thuộc vào loài vi khuẩn, mức độ nhiễm trùng và điều kiện nuôi trồng. Một số triệu chứng bệnh lý thường gặp là:

Hoại tử gan tụy: là bệnh do V. parahaemolyticus gây ra, làm tổn thương gan tụy của tôm, gây chậm lớn, biếng ăn và chết nhanh chóng.

Phát sáng: là bệnh do V. harveyi V. parahaemolyticus gây ra, làm cho ấu trùng và tôm giống phát ra ánh sáng xanh lục trong bóng tối.

Đỏ dọc thân: là bệnh do V. alginolyticus gây ra, làm cho ấu trùng và tôm giống xuất hiện các vết đỏ dọc theo thân.

Ăn mòn vỏ kitin: là bệnh do nhiều loài Vibrio gây ra, làm cho vỏ và các phần phụ của tôm bị hoại tử và ăn mòn.

Vi khuẩn Vibrio có thể lây lan qua nước, đất, thức ăn và các vật nuôi khác. Các yếu tố như nhiệt độ cao, mật độ nuôi dày, ô nhiễm môi trường và stress có thể tăng cường sự phát triển và gây bệnh của vi khuẩn Vibrio.

Hình ảnh tôm sú bị bệnh phát sáng

Để chẩn đoán bệnh do vi khuẩn Vibrio gây ra, cần phải lấy mẫu tôm bệnh và tiến hành nuôi cấy vi sinh trên các môi trường chọn lọc như TCBS. Sau đó, cần xác định loài vi khuẩn dựa trên các đặc điểm hình thái, sinh hoá và di truyền.

Nguyên nhân độc lực Vibrio xuất hiện

Người nuôi tôm thường nghĩ nhóm vi khuẩn Vibrio là nguyên nhân gây bệnh trên tôm, điều đó đúng – nhưng không phải với tất cả Vibrio, thậm chí chúng còn có lợi.

Sự biểu hiện độc lực của những loài Vibrio spp. còn phụ thuộc rất nhiều vào vi sinh vật thường trú trong cơ thể tôm, vì loài nào chiếm số lượng lớn thì sẽ điều khiển được cơ chế sinh học. Do đó có thể những con Vibrio nào đó không mang độc lực với mật độ cao, đã hạn chế được sự gây bệnh của các loài khác. Chúng sẽ hoạt động như một chế phẩm sinh học tự nhiên điều chỉnh các protein tín hiệu và kích hoạt hệ thống phòng thủ của tôm. Và việc thiết lập một môi trường thuận lợi cho những lợi khuẩn sinh sống rất quan trọng, chúng sẽ cạnh tranh thức ăn và chỗ bám với các vi sinh vật có hại. Từ đó làm sức khỏe tôm ổn định, tăng trưởng tốt với chất lượng cơ thịt cao hơn.

 Không phải loài Vibrio spp. nào cũng gây bệnh và đừng lầm tưởng chúng sẽ có mặt ở tất cả những giai đoạn sống của tôm. Một sự khác biệt đáng kể trong cộng đồng vi sinh vật của tôm, được chia làm 2 giai đoạn.

  • Giai đoạn đầu khi tôm từ 1-40 ngày tuổi, chúng tăng sinh rất nhanh
  • Giai đoạn thứ 2 từ ngày thứ 40 trở đi, trong khi vi sinh vật vẫn có sự tăng trưởng nhưng tốc độ đã giảm đi rất nhiều, không có sự khác biệt tăng trưởng giữa ngày thứ 60 và 80 của tôm.
  • Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng của tôm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của hệ vi sinh vật. Ngoài ra, một số yếu tố khác như bệnh tật, dinh dưỡng và môi trường cũng có thể điều chỉnh hệ vi sinh vật này. 

Nhóm khuẩn Vibrio spp. gây bệnh là do sự chuyển hóa của chúng, mà điều này có khả năng rất lớn là do các hoạt động trong quá trình chăm sóc tôm của người nuôi. Vì vậy, việc theo dõi các yếu tố chất lượng nước và chất dinh dưỡng có tầm quan trọng cao để tránh nhiễm Vibriosis do hoạt động trao đổi chất của chúng. Đặc biệt, nhiệt độ nước, độ mặn và mức độ phú dưỡng của tảo là những nguyên nhân có thể dẫn đến sự căng thẳng và cuối cùng là tạo cơ hội cho vi khuẩn gây bệnh ở tôm.

Phân bố

Vibrio spp. thường gây bệnh ở động vật thuỷ sản nước mặn và nước ngọt: cá, giáp xác, nhuyễn thể. Những vi khuẩn này thường là tác nhân cơ hội, khi động vật thuỷ sản sốc do môi trường biến đổi xấu hoặc bị nhiễm các bệnh khác như virus, nấm, ký sinh trùng. Động vật thuỷ sản yếu không có sức đề kháng, các loài vi khuẩn Vibrio spp. cơ hội gây bệnh nặng làm động vật thuỷ sản chết rải rác tới hàng loạt.

– Mùa vụ xuất hiện bệnh tuỳ theo loài và địa điểm nuôi. Theo nghiên cứu của các tác giả nước ngoài và Việt Nam Vibrio spp tìm thấy phổ biến ở trong nước biển và ven bờ, trong nước bể ương tảo, bể ương Artemia, trong bể ương ấu trùng.

– Trong bể ương lượng ấu trùng Vibrio tăng theo thời gian nuôi, tầng đáy cao hơn tầng mặt, do đó khi xi phông tầng đáy có tác dụng giảm mật độ Vibrio trong bể ương.

– Bệnh ở cá nuôi lồng như biển, đầm nước lợ, dấu hiệu bệnh lý giống bệnh nhiễm khuẩn máu do vi khuẩn Aeromonas spp. di động.

Để phòng và trị bệnh do vi khuẩn Vibrio gây ra

  • Đầu tiên, cần chọn giống tôm tốt, khỏe mạnh và có khả năng chống chịu bệnh tốt. Cần kiểm tra sức khỏe tôm thường xuyên, đặc biệt là khi có dấu hiệu bất thường như nổi lên mặt ao, dạt bờ, kéo đàn bơi lòng vòng, biến đổi màu sắc, xuất hiện các vết thương hoại tử trên vỏ và các phần phụ.
  • Thứ hai, bạn cần duy trì chất lượng nước trong ao nuôi ở mức tốt. Đo đạc và điều chỉnh các thông số nước như pH, độ mặn, oxy hòa tan, amoni, nitrit để phù hợp với yêu cầu của tôm. Hạn chế thay đổi nhiệt độ và độ mặn đột ngột, vì điều này có thể gây stress cho tôm và làm giảm sức đề kháng của chúng. Vệ sinh ao nuôi thường xuyên, loại bỏ các chất thải hữu cơ và các nguồn ô nhiễm khác. 
  • Thứ ba, cung cấp cho tôm một chế độ ăn hợp lý và cân bằng. chọn thức ăn chất lượng cao, có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của tôm. cho ăn đúng liều lượng và thời gian, tránh cho ăn quá nhiều hoặc quá ít, vì điều này có thể gây lãng phí và ô nhiễm nước. Có thể sử dụng các chế phẩm sinh học để cải thiện hệ vi sinh vật trong ao nuôi và trong ruột tôm.
  • Thứ tư, nếu tôm đã bị nhiễm khuẩn Vibrio, cần phải xử lý kịp thời và hiệu quả. Phát hiện sớm và cách ly tôm bệnh ra khỏi ao nuôi. Sử dụng các kháng sinh hoặc hóa chất có hiệu quả chống lại vi khuẩn Vibrio theo chỉ dẫn chuyên viên kỹ thuật. Bà con tăng cường oxy hóa và vệ sinh ao nuôi để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.

Kiểm soát vi khuẩn Vibrio trong đường ruột tôm 

Vibrio spp. là một phần không thể thiếu của hệ vi sinh vật đường ruột tôm, chúng có thể đóng cả hai vai trò, có thể trở thành chế phẩm sinh học tự nhiên, đồng thời cũng hoạt động như một mầm bệnh cơ hội luôn “rình rập” trong chính cơ thể tôm. Do đó nên thiết lập một cơ chế chung sống không gây hại cho nhau giữa vi sinh vật và tôm, và thay đổi tích cực các phương pháp chăm sóc sức khỏe tôm để điều khiển được sự trao đổi chất của hệ vi sinh vật.

Hi vọng chia sẻ trên có thể giúp ích bà con nhiều hơn trong quá trình kiểm soát mầm bệnh trên tôm. 

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Zalo