Bài viết cung cấp những nguyên nhân làm tôm nuôi chậm lớn để bà con phòng tránh và nâng cao hiệu quả vụ nuôi.
1. Tôm giống chất lượng kém
Do tôm bố mẹ cho đẻ nhiều lần, quá trình chăm sóc, vận chuyển chưa đúng cách, tôm nhiễm mầm bệnh.
Giải pháp
->Lựa chọn con giống của nhà sản xuất có uy tín.
->Kiểm tra bệnh trên tôm trước khi thả nuôi, hoặc đưa mẫu tôm tới trung tâm kiểm dịch tôm giống.
Môi trường biến động là một trong những nguyên nhân gây stress và làm tôm chậm trăng trưởng (ảnh minh họa)
2. Thức ăn chất lượng kém:
Thức ăn là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi, thức ăn có đầy đủ dinh dưỡng giúp tôm nuôi tăng trưởng tốt, lớn nhanh và có sức đề kháng với mầm bệnh. Tuy nhiên vì chưa có nhiều thông tin về sản phẩm thức ăn nên vẫn còn tình trạng thức ăn giả, thức ăn kém chất lượng trên thị trường. Người nuôi vô tình mua phải những loại thức ăn này do đó cung cấp dinh dưỡng không đầy đủ cho tôm, từ đó làm tôm chậm lớn.
Ngoài ra thức ăn nuôi tôm cần được bảo quản đúng cách, tránh đặt dưới sàn nhà ẩm ướt hoặc ánh nắng trực tiếp chiếu vào sẽ làm giảm chất lượng của thức ăn. Việc cho ăn không đúng cách cũng làm tôm phân đàn, chậm lớn, không đồng đều, năng suất giảm.
3. Mật độ quá dày, sinh khối lớn
Khi nuôi tôm mật độ quá dày, nhưng không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết cho tôm phát triển làm tôm chậm lớn.
Khuyến cáo: nuôi tôm mật độ phù hợp với mô hình nuôi để đảm bảo tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Định kỳ chài lưới kiểm tra đánh giá số lượng tôm có trong ao và thường xuyên kiểm tra nhá cho tôm ăn để canh lượng thức ăn cho phù hợp. Định kỳ bổ sung khoáng vào thức ăn tôm và khoáng tạt vào ao nuôi. Nếu đánh khoáng nên đánh vào buổi tối.
4. Bệnh phân trắng mãn tính
Sau khi tôm bị mắc bệnh phân trắng nếu không kịp thời chữa trị tôm yếu dần khả năng hấp thu chất dinh dưỡng kém làm cho tôm bị chậm lớn.
Do đó, khi phát hiện tôm bị bệnh phân trắng cần có biện pháp điều trị kịp thời và trị dứt điểm. Sau đó bổ sung men đường ruột vào thức ăn cho tôm để cải thiện hệ vi sinh vật, giúp tôm hấp thụ chất dinh dưỡng.
5. Tôm mắc các bệnh gây chậm lớn
– Hội chứng chậm tăng trưởng (MSGS)
Tôm sú (Penaeus monodon) bị ảnh hưởng bởi hội chứng tăng trưởng chậm (MSGS)
Dấu hiệu bệnh lý: màu tối khác thường, đánh dấu màu vàng sáng bất thường, râu giòn, tương quan khác biệt về kích thước. Không có dấu hiệu bệnh lý vi mô rõ ràng.
Nguyên nhân không chắc chắn nhưng có sự hiện diện của virus Laem-Singh (LSNV).
– Bệnh còi ở tôm sú (Monodon Baculovirus – MBV)
Dấu hiệu bệnh lý tôm có màu tối hoặc xanh tái, xanh xẫm. Tôm kém ăn, hoạt động yếu và sinh trưởng chậm (chậm lớn). Các phần phụ và vỏ kitin có hiện tượng hoại tử, có nhiều sinh vật bám (ký sinh trùng đơn bào, tảo bám và vi khuẩn dạng sợi). Gan tuỵ teo lại có màu trắng hơi vàng, thối rất nhanh. Tỷ lệ chết tích lũy có thể cao tới 70%.
Nguyên nhân: virus MBV (Monodon baculovirus) và virus HPV (Hepatopancreatie parvovirus)
– Bệnh vi bào tử trùng
Tôm chậm lớn do EHP ký sinh trong hệ thống ống gan tụy và làm cho tôm không hấp thụ được chất dinh dưỡng. Dấu hiệu bệnh ở ao nuôi: không có dấu hiệu đặc biệt của bệnh chỉ nghi ngờ với sự xuất hiện của sự tăng trưởng chậm bất thường trong ao;
• Nhiễm trùng phải được xác nhận bằng kính hiển vi hoặc phương pháp phân tử.
Nguyên nhân do: ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei ( EHP)
Biện pháp phòng:
+ Không dùng tôm giống có nhiễm mầm bệnh EHP, BMV, HPV… Xét nghiệm con giống, tuyệt đối không để cua còng vào ao, diệt giáp xác thật kỹ khi thả nuôi.
+ Tẩy dọn ao, bể nuôi như phương pháp phòng chung. Thường xuyên diệt khuẩn môi trường ao nuôi. Sử dụng vôi nóng (CaO) xử lý ao để có thể đạt độ pH đáy ao trong quá trình cải tạo cao hơn 11 – 12 để làm chết mầm bệnh EHP.
+ Nuôi tôm đúng mùa vụ, quản lý chăm sóc tốt, cung cấp đầy đủ thức ăn về chất và lượng. Không để tôm sock trong quá trình nuôi.
6. Lạm dụng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm
Việc sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm và dùng quá liều kháng sinh khi trị bệnh giảm khả năng chuyển hóa thức ăn của tôm làm tôm chậm lớn.
Lưu ý khi sử dụng kháng sinh trị bệnh cho tôm: dùng đúng liều đúng chu trình 5-7 ngày tránh lờn thuốc. Sau đó cần bổ sung sorbitol 2g/1kg thức ăn nhằm giúp tôm đào thải kháng sinh, sau khi dùng men vi sinh 3 ngày phải cho tôm ăn men đường ruột để khôi phục hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột tôm.
**không sử dụng kháng sinh phòng bệnh cho tôm giống và tôm nuôi, vì sẽ gây lờn thuốc và giảm khả năng chuyển hóa thức ăn của tôm.
7. Căng thẳng do môi trường nuôi
Chất lượng nước là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong nuôi tôm. pH là một trong những thông số môi trường quan trọng quyết định quá trình sinh lý của tôm. Phạm vi từ 6,8 đến 8,7 cho tôm trong môi trường ao để tăng trưởng tối ưu. Theo nghiên cứu của Naresh Kumar Dewangan và Ayyaru Gopalakrishnan 2016 thấy rằng trong ao tôm phát triển bình thường độ pH tối đa chỉ xấp xỉ 7.7 trong khi đó ao tôm bệnh chậm lớn có độ pH tối đa lại ở mức 8.9. Sự xuất hiện của DO thấp trong môi trường ven biển đang gia tăng, và nó có tác động tiêu cực đến tăng trưởng và sinh sản thường xảy ra ở tôm ở nồng độ DO tức thời từ 3 – 5 mg/l. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây stress và làm tôm chậm trăng trưởng.
Với nuôi tôm trong nước có độ mặn thấp việc thiếu khoáng chất trong nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tôm làm tôm mềm vỏ khó lột xác, tăng trưởng chậm và thậm chí là tỉ lệ sống thấp. Thả nuôi tôm trong mùa nghịch khi nhiệt độ thấp sẽ làm tôm chậm tăng trưởng bởi khi nhiệt độ thấp trao đổi chất của tôm giảm theo làm tôm ăn yếu.
- Bổ sung khoáng đầy đủ cho tôm nuôi ở độ mặn thấp.
- Khi nhiệt độ giảm cần nâng mực nước trong ao giảm chênh lệch nhiệt độ, cho tôm ăn vào lúc trời ấm, lúc có nắng, tăng cường quạt nước, nâng mực nước của ao. Ương nuôi tôm trong ao lót bạt có che lưới từ 20 – 30 ngày trước khi san ra ngoài ao nuôi.
- Đồng thời quản lý các yếu tố môi trường khác như để giảm stress cho tôm: độ kiềm, độ pH, khí độc ở ngưỡng phù hợp với sự tăng trưởng của tôm.
Trích Tép Bạc
-
Địa chỉ: 42 Trần Phú, Thị Trấn Diên Khánh, Tỉnh Khánh Hòa -
Văn phòng: 34 Trần Phú, Thị Trấn Diên Khánh, Tỉnh Khánh Hòa -
02583.780.781 hoặc 0901.135.126 – Fax: 02583.780.781 -
MST: 4201787225