Lối đi nào cho “thủ phủ” tôm hùm Khánh Hòa trong mùa dịch Covid

Tình hình dịch Covid kéo dài từ đầu năm 2020 tới nay khiến cho các mặt hàng thủy sản nói chung và tôm hùm nói riêng khó khăn trong việc tiêu thụ trong nước và không thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Và thị trường xuất khẩu tôm hùm dễ tính và gắn bó với Việt Nam trong nhiều năm qua chính là thị trường Trung Quốc. Hàng nghìn tấn tôm không thể xuất khẩu và giảm giá xuống chỉ còn khoảng 700.000đ/kg (loại 1 con/kg). Tuy giá tôm hùm đã “nhích” hơn so với đợt dịch đầu tiên tại Việt Nam, nhưng với giá bán này người nuôi tôm hùm vẫn chưa có lãi.

Dịch bệnh khó kiểm soát và thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho việc nuôi trồng thủy sản trở nên khó khăn hơn nhiều so với những năm trước đây. Theo ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh có khoảng 70.000 ô lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu tập trung tại TP Cam Ranh và huyện Vạn Ninh. Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh khó khăn, bà con nuôi tôm đang thả nuôi ở mức cầm chừng.

Ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, hoạt động giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam giảm sút mạnh. Trong nhiều năm qua nông dân Việt Nam vẫn xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch nên thường xuyên bị “ép” giá. Hiện tại Trung Quốc đang siết chặt hơn nữa các tiêu chuẩn nhập khẩu thủy sản tại Việt Nam. Về lâu dài, để phát triển tôm hùm bền vững, bà con nên thực hiện nuôi đúng quy hoạch của địa phương và có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý. Đối với lượng tôm còn tồn, chưa xuất khẩu được, trước mắt người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, chăm sóc tốt; bên cạnh đó cần theo dõi sát tình hình thị trường khác trên thế giới. Đồng thời áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Song song đó, người nuôi cần thành lập các tổ chức hợp tác hoặc hợp tác xã để hình thành chuỗi liên kết với doanh nghiệp từ cung cấp đầu vào cho đến đầu ra tiêu thụ.

Tường Vi

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Zalo