Lễ Mít tinh và thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản

Sáng nay 01/4, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ Mít tinh và thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản (01/4/1959-01/4/2022).

Tham dự buổi Lễ về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT có đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản và các đơn vị trực thuộc, về phía Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Ban Trị sự Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản, UBND huyện Trần Đề cùng các doanh nghiệp, người dân và phóng viên báo đài đến đưa tin về buổi lễ.

Hằng năm, cứ vào những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4, chúng ta lại được cùng nhau ôn lại những truyền thống quý báu của ngành thủy sản và nhớ lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn, khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân đối với phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, trong đó có gần 1 triệu ngư dân đang ngày đêm bám biển, sản xuất khai thác hải sản. Thể theo nguyện vọng của ngành thủy sản và đông đảo bà con ngư dân, ngày 1 tháng 4 hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chính thức là Ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam.

          Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết, thực hiện lời dạy của Bác, 63 năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ, ngành Thủy sản đã có những bước phát triển liên tục, toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu, duy trì được sự tăng trưởng ổn định qua các năm. Những thành tựu đạt được của ngành Thủy sản đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Sự hiện diện thường xuyên của bà con ngư dân và các tàu cá trực tiếp khai thác hải sản trên biển chính là những cột mốc sống, góp phần quan trọng giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong thời gian qua, ngành Thủy sản tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với khai thác thủy sản; giá nhiên liệu, xăng dầu tăng cao; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan, diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19 bùng phát trên diện rộng làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Nhưng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, địa phương đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, các doanh nghiệp, Hội, hiệp hội và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành thủy sản đã đạt được những kết quả ấn tượng: tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản năm 2021 đạt 3,01%, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,73 triệu tấn (tăng 1% so với năm 2020). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,89 tỷ USD tăng 5,7% so với năm 2020.

“Trong không khí náo nức, phấn khởi của toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành Thủy sản nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng chào mừng kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, đây là một hoạt động vô cùng có ý nghĩa, góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên” – Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thu Nguyệt nhấn mạnh,

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Ban Trị sự Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong vô số những pháp môn phương tiện mà đức phật đã từng dạy, chỉ có phương pháp phóng sinh là dễ thực hành nhất mà có thể sớm mang lại hiệu quả nhất. Sở dĩ như vậy, vì phóng sinh là trực tiếp giải cứu sinh mạng cho chúng sinh, mà sinh mạng lại chính là giá trị cao nhất, được trân quý nhất của tất cả chúng sinh. Giải cứu được sinh mạng cho chúng sinh tức là giúp chúng sinh giữ lại được cái giá trị cao cả nhất, đáng trân quý nhất. Phóng sinh vì bốn mục tiêu: bảo vệ và hoàn thiện môi trường sống; vì cuộc sống chúng sinh muôn loài; quảng bá tấm lòng từ bi, hiếu sinh của đạo Phật đến với xã hội; giáo dục thanh niên và mọi người ý thức bảo vệ môi trường sống, cân bằng sinh thái và sự sống của các loài vật.

Thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Tổng cục Thuỷ sản, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng thực hiện trách nhiệm thường xuyên vận động Tăng ni, phật tử trong cả tỉnh với tấm lòng từ bi hỷ xả thường xuyên tham gia hoạt động phóng sanh nhân các ngày lễ lớn trong năm như Vu Lan, Phật Đản,…đồng thời tuyên truyền cho Tăng ni, Phật tử hiểu về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường và đa dạng sinh học được, không thả các loài thủy sinh vật ngoại lại trong hoạt động phóng sinh-tái tạo nguồn lợi thủy sản, phát huy được vai trò của xã hội hóa trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tại các Chùa, Tự viện, Tịnh xá trong tỉnh đã bố trí hòm từ thiện nhằm huy động nguồn vốn trong toàn dân, Tăng ni, Phật tử để thả cá-phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ngay sau buổi lễ này, đã có khoảng 4,3 triệu con giống thủy sản, trong đó gần 4 triệu tôm sú giống và 300.000 cua biển giống được thả xuống vùng biển tự nhiên.

Các con giống thủy sản trên một phần do ngân sách mua, còn lại chủ yếu vận động các doanh nghiệp, ngư dân, người hoạt động trong ngành thủy sản đóng góp. Các con giống thả đều được kiểm tra, khỏe mạnh và sạch bệnh trước khi thả xuống vùng biển, dễ thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương.

Nhân dịp này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Thị Thu Nguyệt đã phát động phong trào toàn dân Việt Nam tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành thủy sản, các tăng ni, phật tử, các tín đồ tôn giáo, các em học sinh, sinh viên và toàn thể người dân hãy “Chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản” cho chúng ta và cho thế hệ mai sau.

Văn Thọ

Chia sẻ bài viết:
BÀI VIẾT KHÁC
58
MÔI TRƯỜNG NƯỚC NUÔI ẢNH HƯỞNG ĐẾN SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TÔM
CREATOR: gd-jpeg v1
HIỆN TƯỢNG “TẢO NỞ HOA” LÀ GÌ? THIỆT HẠI GÂY RA TRONG AO TÔM
4
HIỆN TƯỢNG SỐC TRÊN TÔM VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
2
GIẢI PHÁP DIỆT RONG NHỚT, RONG ĐÁ TRONG VUÔNG TÔM
CREATOR: gd-jpeg v1
NHU CẦU DINH DƯỠNG CỦA TÔM TRONG GIAI ĐOẠN LỘT XÁC
58
MÔI TRƯỜNG NƯỚC NUÔI ẢNH HƯỞNG ĐẾN SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TÔM
CREATOR: gd-jpeg v1
HIỆN TƯỢNG “TẢO NỞ HOA” LÀ GÌ? THIỆT HẠI GÂY RA TRONG AO TÔM
4
HIỆN TƯỢNG SỐC TRÊN TÔM VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
2
GIẢI PHÁP DIỆT RONG NHỚT, RONG ĐÁ TRONG VUÔNG TÔM
CREATOR: gd-jpeg v1
NHU CẦU DINH DƯỠNG CỦA TÔM TRONG GIAI ĐOẠN LỘT XÁC
NGUYÊN LIỆU
DANH MỤC SẢN PHẨM