Hướng dẫn sử dụng men vi sinh trong NTTS (Kỳ cuối)

Trong NTTS, để giảm thiểu những bất lợi do sử dụng hóa chất và xử lý chất hữu cơ dư thừa trong môi trường, việc sử dụng các chế phẩm sinh học (men vi sinh) phòng bệnh cho vật nuôi và cải thiện môi trường là ưu tiên hàng đầu.

Công dụng

Cung cấp các chủng vi sinh vật sống có lợi cho môi trường ao nuôi; Phân giải mạnh xác tảo tàn, thức ăn thừa, chất hữu cơ trong nước, nitrat hóa, sunphat hóa. Giảm các độc tố trong môi trường nước giúp vật nuôi phát triển tốt. Hấp thu và keo tụ các chất hữu cơ lơ lửng và vi khuẩn trong nước xuống đáy ao. Xử lý ô nhiễm bùn đáy ao nuôi và làm giảm sự gia tăng lớp bùn đáy ao; Gây màu nước cho ao nuôi (tạo thêm thức ăn tự nhiên cho ao nuôi). Giúp ổn định độ pH của nước, gián tiếp làm tăng ôxy hòa tan trong nước, làm cho vật nuôi khỏe mạnh, ăn nhiều, mau lớn. Nâng cao khả năng miễn dịch của vật nuôi (do kích thích vật nuôi sản sinh ra kháng thể). Ức chế sự hoạt động và phát triển của vi sinh vật có hại, nhờ đó hạn chế mầm bệnh phát triển, giảm thiểu nguy cơ vật nuôi bị nhiễm bệnh (như tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh phát sáng, mòn đuôi rụng râu ở tôm nuôi). Kích thích tiêu hóa của của vật nuôi (nhờ các enzyme như protease, lipase, amylase…). Ngoài ra, men vi sinh còn làm thức ăn bổ sung: chế phẩm sinh học được trộn vào thức ăn giúp nâng cao khả năng hấp thu thức ăn của tôm, cá, làm giảm hệ số tiêu tốn thức ăn và phòng chống các bệnh đường ruột.

Men vi sinh có vai trò quan trọng trong NTTS

Lợi ích

Giảm chi phí sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất trong việc điều trị bệnh, góp phần cải thiện chất lượng nước trong hệ thống NTTS. Tăng hiệu quả sử dụng thức ăn (do làm giảm hệ số thức ăn), giúp vật nuôi mau lớn, rút ngắn thời gian nuôi. Tăng tỷ lệ sống và tăng năng suất thủy sản nuôi. Giảm chi phí thay nước và góp phần bảo vệ môi trường vùng NTTS.

Hướng dẫn sử dụng

Một số điểm cần lưu ý

Người nuôi thủy sản cần xác định mục đích sử dụng chế phẩm sinh học về thời gian dự định dùng cho ao nuôi, như để cải thiện chất lượng nước trước khi thả giống (nuôi nước), ổn định môi trường, cải thiện môi trường (giảm các chất hữu cơ dư thừa), tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi (phòng bệnh), “bồi dưỡng sức khỏe” cho vật nuôi (dùng chế phẩm có công dụng hỗ trợ tiêu hóa hoặc các loại men vi sinh trộn vào thức ăn cho vật nuôi để khôi phục lại hệ vi sinh đường ruột)…

Xác định đúng chủng loại chế phẩm sinh học cần sử dụng: liên hệ với cơ sở cung cấp chế phẩm, tới xem sản phẩm, kiểm tra thành phần sản phẩm (vi khuẩn có lợi, hoạt chất). Chỉ mua những sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng, còn hạn sử dụng và được bảo quản đúng theo quy định của nhà sản xuất (in trên bao bì). Sản phẩm chế phẩm sinh học đạt chất lượng là sản phẩm có hiệu quả tại nhiều vùng nuôi khác nhau và đạt hiệu quả qua nhiều vụ nuôi, trong một số trường hợp là sản phẩm mới hoặc mới được phép nhập khẩu và đã được khảo nghiệm, đạt kết quả tốt trong khảo nghiệm và được phép lưu hành.

Nên mua chế phẩm từ nhà sản xuất có uy tín và uy tín lâu năm, có thương hiệu để đảm bảo nguồn vi sinh sạch bệnh, không độc tố, hoàn toàn tự nhiên, không phải là sinh vật biến đổi gen.

Chỉ sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi bán thâm canh và thâm canh thủy sản. Cần sử dụng lặp lại nhiều lần và định kỳ trong một chu kỳ nuôi. Cần đảm bảo đủ hàm lượng ôxy hòa tan (không dưới 5 mg/l) trong ao nuôi trong quá trình sử dụng chế phẩm sinh học. Không dùng chung với thuốc kháng sinh, hóa chất, thuốc diệt cỏ. Trước và sau khi sử dụng chế phẩm sinh học 2 – 3 ngày, tuyệt đối không được sử dụng các hóa chất sát trùng nước cũng như các thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn.

Trong trường hợp đã sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh thì sau khi ngưng sử dụng kháng sinh, nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học có công dụng hỗ trợ tiêu hóa hoặc các loại men vi sinh trộn vào thức ăn cho vật nuôi để khôi phục lại hệ men đường ruột cho vật nuôi (do thuốc kháng sinh đã làm ảnh hưởng xấu, thậm chí là làm hỏng hệ vi sinh đường ruột của vật nuôi, làm cho vật nuôi có hiện tượng kém ăn, chậm lớn).

Nhiều chế phẩm sinh học có thể dùng được trong môi trường nước mặn, lợ và nước ngọt. Tuy nhiên, có một số chế phẩm sinh học chỉ có tác dụng trong môi trường nước ngọt hoặc nước mặn, nếu sử dụng không đúng sẽ không có tác dụng. Không nên lạm dụng chế phẩm sinh học.

Hướng dẫn chung

Nên sử dụng chế phẩm sinh học ngay sau quá trình cải tạo ao vì trong quá trình cải tạo, diệt tạp, hầu như các vi sinh vật đều bị tiêu diệt. Việc đưa chế phẩm sinh học vào nước ao là để phục hồi sự hiện diện của vi sinh vật có lợi và tái tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho ao (đặc biệt là những ao ương tôm cá giống). Tuy nhiên, cần lựa chọn chủng loại chế phẩm sinh học phù hợp với điều kiện ao nuôi cụ thể của mình.

Sử dụng chế phẩm sinh học phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất bởi vì một số chế phẩm sinh học cần có thời gian “kích hoạt” trước khi được đưa vào ao nuôi. Chẳng hạn, sản phẩm phải được ngâm trong nước sạch, ở nhiệt độ nước thích hợp và trong một khoảng thời gian cụ thể… (tùy từng loại) trước khi sử dụng.

Sử dụng đúng liều lượng trên đơn vị diện tích (hoặc thể tích) ao nuôi theo định kỳ để duy trì mật độ vi khuẩn có lợi trong ao nuôi. Không dùng liều lượng cao hơn hướng dẫn vừa không hiệu quả lại gây tốn kém. Người nuôi cần theo dõi chất lượng nước và tình trạng của vật nuôi trước khi sử dụng chế phẩm sinh học. Nên đưa chế phẩm sinh học vào ao nuôi trong buổi sáng và khi có nắng (8 – 10 giờ sáng). Không cấp chế phẩm sinh học vào ao khi trời mưa. Nếu dùng chế phẩm sinh học trong ngày có nhiệt độ nước ao thấp, nên nuôi cấy chế phẩm sinh học trong nước ấm với nhiệt độ từ 30 – 350C trước khi cấp vào ao nuôi.

Khi cấp chế phẩm sinh học cho ao nuôi, phải tăng cường sục khí để có đủ ôxy hòa tan trong nước, đặc biệt là vùng đáy ao giúp cho quá trình tăng sinh khối và hoạt động phân hủy của các vi khuẩn có lợi được thuận lợi, vì đa số vi khuẩn trong sản phẩm chế phẩm sinh học là vi khuẩn hiếu khí.

Với những chế phẩm sinh học dùng để trộn với thức ăn: nên cho vật nuôi được ăn thức ăn đã trộn với chế phẩm sinh học ngay sau khi trộn. Nếu thức ăn được bao bọc bằng dầu trước khi cho vật nuôi ăn sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng chế phẩm sinh học.

Nếu vật nuôi bị bệnh, sau khi chữa trị bằng thuốc, nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học có công dụng hỗ trợ tiêu hóa, các loại men vi sinh trộn vào thức ăn cho vật nuôi để khôi phục lại hệ men đường ruột của vật nuôi.

Đối với tôm, từ khi nuôi được 2 tháng trở lên, nên sử dụng các chế phẩm sinh học có thành phần vi khuẩn có khả năng khử tính độc của khí NH3, H2S, phân hủy các chất hữu cơ tích lũy trong ao, loại bỏ lớp bùn ô nhiễm làm sạch môi trường, khống chế được các vi khuẩn, nấm và các nguyên sinh động vật trong ao như các chủng vi khuẩn thuộc nhóm Nitrosomonas, Nitrobacter, Bacillus, Lactobacillus và Rhodoseudomonas, Rhodococus, Phodobacillus…

Không dùng nhiều chế phẩm sinh học cùng một thời điểm, sử dụng xen kẽ và cách nhau theo thời gian quy định.

Nếu đã sử dụng các hóa chất như thuốc tím, BKC… cho ao nuôi thì khoảng 2 – 3 ngày sau nên sử dụng chế phẩm sinh học để khôi phục lại các nhóm vi sinh vật có lợi trong nước để cải thiện chất lượng nước và hạn chế ô nhiễm môi trường. Bảo quản chế phẩm sinh học ở nơi khô ráo, tránh nơi có ánh sáng trực tiếp, vì sẽ làm chết các nhóm vi sinh vật có lợi trong chế phẩm sinh học. Người sử dụng, tiếp xúc với chế phẩm sinh học phải sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động (đeo găng tay, khẩu trang, mặc quần dài, áo dài tay…).

Trích Thủy Sản Việt Nam

Chia sẻ bài viết:
BÀI VIẾT KHÁC
4
HIỆN TƯỢNG SỐC TRÊN TÔM VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
2
GIẢI PHÁP DIỆT RONG NHỚT, RONG ĐÁ TRONG VUÔNG TÔM
CREATOR: gd-jpeg v1
ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI NUÔI TÔM TRONG MÙA NẮNG GẮT
CREATOR: gd-jpeg v1
NHU CẦU DINH DƯỠNG CỦA TÔM TRONG GIAI ĐOẠN LỘT XÁC
CREATOR: gd-jpeg v1
TẦM QUAN TRỌNG CỦA YẾU TỐ ĐỘ MẶN TRONG AO TÔM
4
HIỆN TƯỢNG SỐC TRÊN TÔM VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
2
GIẢI PHÁP DIỆT RONG NHỚT, RONG ĐÁ TRONG VUÔNG TÔM
CREATOR: gd-jpeg v1
ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI NUÔI TÔM TRONG MÙA NẮNG GẮT
CREATOR: gd-jpeg v1
NHU CẦU DINH DƯỠNG CỦA TÔM TRONG GIAI ĐOẠN LỘT XÁC
CREATOR: gd-jpeg v1
TẦM QUAN TRỌNG CỦA YẾU TỐ ĐỘ MẶN TRONG AO TÔM
NGUYÊN LIỆU
DANH MỤC SẢN PHẨM