Bệnh “Tôm sữa” do vi bào tử trùng – EHP và cách phòng ngừa

Cũng như những nghề nuôi khác, nuôi tôm thẻ chân trắng hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề dịch bệnh xảy ra liên tục. Nhất là thời điểm khi thời tiết không thuận lợi thì mầm bệnh càng dễ phát sinh nhiều hơn nửa. Bệnh EHP hay còn gọi là bệnh “tôm sữa” hay bệnh “tôm bông gòn”, tuy không làm tôm chết hàng loạt như những bệnh nguy hiểm khác. Nhưng bệnh này làm cho tôm phân cỡ rõ rệt, mất màu sắc đặc trưng, ảnh hưởng đến hiệu quả của vụ nuôi, giảm giá trị kinh tế.

 

Nguyên nhân:

Bệnh EHP là bệnh do vi bào tử trùng Microsporidia gây ra, có tên là Enterocytozoon hepatopenaei, đây là một loại nguyên sinh động vật có kích thước tương đương với vi khuẩn nên rất khó phân biệt với vi khuẩn. Thường chỉ thấy được chúng qua dạng bào tử (ẩn mình trong môi trường khó thích nghi), ký sinh bên trong tế bào chất trong của vật nuôi, có thể có ký chủ trung gian truyền bệnh (cá sơn, cá nâu, …) hoặc không cần ký chủ khác mà lây nhiễm trực tiếp từ tôm bệnh sang tôm khỏe. Dạng không có ký chủ trung gian thường xảy ra hơn và mức độ thiệt hại cũng cao hơn rất nhiều lần.

Khi nhiễm, ở phần đầu của vi bào tử trùng có 1 đường ống có thể vươn ra khỏi bào tử để bám vào gan tụy hoặc cơ thịt của tôm và tiết chất độc của nó vào đây, rồi sau đó phân chia tế bào, hình thành bào tử, tiếp theo bào tử sẽ ra ngoài cơ thể tôm, nhiễm trực tiếp vào con tôm khác. Cũng như những loài ký sinh trùng khác, năng lượng mà vi bào tử trùng có được là do lấy chất dinh dưỡng từ vật chủ mà nó ký sinh và cũng nhờ đó nó mới phân chia, sinh sản được.

Triệu chứng:

Tôm bị nhiễm EHP, trong một tháng đầu thả nuôi, tôm vẫn phát triển bình thường nhưng sau đó tôm chậm lớn và giảm ăn một cách rõ rệt khi sinh khối trong ao tăng lên. Vi bào tử trùng ký sinh, sử dụng chất dinh dưỡng và năng lượng dự trữ trong gan tụy khiến tôm không đủ dinh dưỡng cho quá trình tăng trưởng và lột xác. Gan tụy bị mất cấu trúc và những biểu mô bên trong dày lên, hoại tử thấy rõ. Tôm bị phân cỡ rất rõ trong ao nuôi.

Ngoài gan tụy, nhiều cơ quan khác như dạ dày , cơ, cơ quan bạch huyết cũng bị ký sinh. Thấy rõ nhất là khi EHP nhiễm trong cơ thịt, nhiều mảng màu trắng đục sẽ xuất hiện ở lưng từ gan tụy đến thân, đốt bụng thứ 2, thứ 3 của tôm hay cũng có khi là đốt cuối cơ thể. Quan sát dưới kính hiển vi cho thấy ở những mảng màu trắng đục có nhiều túi bào tử, mỗi túi thường chứa 8 bào tử của vi bào trùng Microsporidia. Những nội quan bên trong cơ thể bị những mảng trắng lớn của vi bào tử trùng thay thế dần. Do bị xâm chiếm gan tụy và các cơ quan khác của cơ thể nên tôm giảm ăn và giảm trao đổi chất rất nhanh chóng.

Tôm bệnh EHP lây lan nhanh, nhưng tỷ lệ chết không cao. Tuy nhiên thiệt hại về kinh tế là rất lớn, tôm bị dị hình nên giá thành bán ra thường thấp hơn rất nhiều so với bình thường. Bệnh này cũng thường xuất hiện cùng với nhiều bệnh khác do vi khuẩn, gây thiệt hại kép cho vụ nuôi.

Đường truyền:

Chiều dọc: khi tôm bố mẹ mang mầm bệnh sẽ truyền cho phôi, cho nên ngay từ đầu con tôm đã mang sẵn mầm bệnh trong cơ thể. Chờ đến khi tôm yếu, kí sinh trùng sẽ lập tức gây ra những triệu chứng đặc trưng.

Chiều ngang: vì mầm bệnh là ký sinh trùng nên cần có ký chủ để bám vào và hút chất dinh dưỡng thì mới tồn tại được. Do đó, có rất nhiều loài trung gian có thể mang mầm bệnh, lây nhiễm cho tôm. Ngoài ra trong phân tôm cũng có nhiều bào tử có đủ khả năng gây bệnh cùng với hình thức con bệnh truyền bào tử trực tiếp cho con khỏe.

Cách phòng ngừa:

Bệnh EHP hiện tại có thể chẩn đoán được nhờ bộ kit chuyên biệt và xét nghiệm PCR ở cấp độ phân tử. Những loại hóa chất có tác dụng với các loại ký sinh trùng khác thì không diệt được vi bào tử trùng này. Do đó hiện tại chỉ có thể đối phó với bệnh EHP bằng cách kiểm soát an toàn sinh học chặt chẽ và chú ý cải thiện sức khỏe vật nuôi.

Không dùng thức ăn tươi sống, vì chúng có nguy cơ là vật trung gian truyền bệnh. Chú ý diệt trùng các dụng cụ nuôi bằng Gluta S hay Iodine violet để hạn chế mầm bệnh còn sót lại trong lần sử dụng trước. Con giống phải được xét nghiệm, đảm bảo chắc chắn không có mầm bệnh EHP. Vì bào tử rất khó loại bỏ hoàn toàn nên các biện pháp trên chỉ có thể hạn chế phần nào sự xâm nhập của chúng vào hệ thống nuôi.

Hàm lượng chất hữu cơ trong ao cũng được chứng minh là giúp vi bào tử trùng phát triển, do đó loại bỏ chất hữu cơ dư thừa ra khỏi ao được xem là một biện pháp rất hữu hiệu. Dọn dẹp thức ăn thừa, các chất thải, mùn bã hữu cơ trong ao ngay từ đầu và cả trong quá trình nuôi bằng Men vi sinh xử lý đáy ao Biopro, một sản phẩm dọn sạch đáy ao, ổn định và cải thiện môi trường nước, với liều dùng định kỳ 100g cho 10.000m3 nước.

Khi pH lên khoảng 12 thì hầu hết các loại vi bào tử trùng đều bị tiêu diệt, nên việc bón vôi là một phương pháp có thể áp dụng để hạn chế sự phát triển của vi bào tử trùng nhất là đối với ao đất. Sau đó khoảng vài ngày, pH sẽ giảm xuống cùng với việc phơi ao.

Nhiệt độ và độ mặn là 2 yếu tố rất dễ biến động trong những tháng cuối năm, người nuôi cần quản lý chặt chẽ, hạn chế việc làm thay đổi dẫn đến tôm dễ stress và nhiễm bệnh. Ngoài ra trong quá trình nuôi cũng tăng cường sức đề kháng của tôm bằng men vi sinh hỗ trợ đường ruột Men Biopro Khánh Hòa, có tác dụng cải thiện hoạt động tiêu hóa thức ăn và kích hoạt hệ thống miễn dịch của tôm. Gan tụy là bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể tôm, do đó cần bổ sung thêm Thảo dược  vào thức ăn với liều 2-3ml/kg thức ăn, giúp gan hoạt động hiệu quả hơn trong việc bài thải chất độc đồng thời cũng cải thiện sức khỏe tôm nuôi một cách đáng kể.

Phòng kỹ thuật An Bình

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Zalo