“Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là nỗ lực lớn của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam trong việc phát triển nuôi biển công nghiệp bền vững.
“Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được gọi tắt là Đề án phát triển nuôi biển; Theo đó, phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc.
Hội nghị thường niên của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam
Sáng 06/11/2021, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thường niên 2021, tổ chức theo hình thức trực tiếp (tại Hà Nội) kết hợp với trực tuyến tại các điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang và Cần Thơ. Bên cạnh việc đánh giá những kết quả đã đạt được, Hiệp hội tập trung thảo luận kỹ về những khó khăn, vướng mắc để cùng bàn bạc tháo gỡ và tìm ra giải pháp phát triển trong các năm tiếp theo.
Tham dự hội nghị có đại diện Tổng cục Thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam; và các đại biểu đến từ Trung tâm Khoa học công nghệ Nuôi biển Việt Nam, VCCI thành phố Hồ Chí Minh, Công ty VISID, Công ty Du thuyền Ngựa biển, Công ty Nhựa Super Trường Phát, Công ty Carafoods, Công ty Altech Vietnam, Công ty Trấn Phú, Công ty Maritec, Công ty Reecotech, Công ty Trí Tín, Công ty C.P. Việt Nam, Công ty VMC, Hợp tác xã Nông thủy sản Long Sơn, Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển, Đại học Nha Trang, Đại học Cần Thơ… Đặc biệt, dự Hội nghị còn có Đại sứ Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi cho biết, Việt Nam là người bạn của Indonesia ngay từ những ngày đầu Indonesia mới dành độc lập. Indonesia có tiềm năng rất lớn với vùng biển rộng 5,8 triệu km2; đường bờ biển dài hơn 95 nghìn km. Hiện nay, trao đổi thương mại về thủy sản giữa hai nước đạt khoảng 150 triệu USD; trao đổi thương mại song phương hai nước là khoảng 9,1 tỷ USD. Hai nước có nhiều nội dung có thể trao đổi trong thời gian tới như nghiên cứu khoa học về nghề nuôi biển; hợp tác giữa các doanh nghiệp, ngư dân nuôi biển hai nước.
Tại hội nghị, ông Trần Công Khôi (Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản) đã đề cập các nhiệm vụ phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ nuôi biển. Tổ chức nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thức ăn, con giống chất lượng cao, giải pháp phòng chống và điều trị dịch bệnh, công nghệ nuôi, công nghệ thu hoạch và bảo quản sản phẩm trong nuôi biển. Phát triển khoa học công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ nuôi biển tập trung vào công nghệ sản xuất lồng nuôi, dịch vụ hậu cần, thiết bị giám sát môi trường tự động, hệ thống cho ăn thông minh và các kỹ thuật, công nghệ có liên quan để thúc đẩy sản xuất phát triển. Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý, vận hành và giám sát các hoạt động nuôi biển.
Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển; Phát triển sản xuất giống phục vụ nuôi biển. Đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất, chuyển giao con giống phục vụ nuôi biển đáp ứng đủ nhu cầu số lượng và chất lượng, đặc biệt là các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế, có tiềm năng mở rộng quy mô nuôi thương phẩm và thị trường tiêu thụ (vi tảo, cá cảnh, sinh vật cảnh,…). Tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nguồn giống đối với một số giống loài nuôi biển đang phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên để đảm bảo không xâm hại đến nguồn lợi và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, phát triển hệ thống sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển. Phát triển nuôi biển theo vùng (phát triển nuôi biển gần bờ, phát triển công nghiệp nuôi biển xa bờ). Phát triển chế biến và thương mại sản phẩm nuôi biển; Áp dụng công nghệ tiên tiến vào các khâu thu hoạch, bảo quản sản phẩm và vận chuyển để giảm tổn thất và tăng giá trị sản phẩm; Phát triển hệ thống chế biến hiện đại gắn với các vùng nuôi biển tập trung để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, đặc biệt các sản phẩm có giá trị cao (như: dược phẩm, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ nuôi biển). Và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển trong nước và ngoài nước thông qua các đầu mối phân phối lớn ở các thị trường trọng điểm.
Con đường đi đã rõ ràng để phát triển ngành Nuôi biển Việt Nam
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nhận định: Sau khi “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021), con đường phát triển của ngành Nuôi biển Việt Nam đã rõ ràng, hướng đến mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8-1,0 tỷ đô la Mỹ (năm 2025) và 1,8-2,0 tỷ đô la Mỹ (năm 2030). Phấn đấu đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển Việt Nam đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành Thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ đô la Mỹ.
Trước mắt, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam sẽ kiện toàn tổ chức, phát triển Hiệp hội vững mạnh, phấn đấu tăng thêm hội viên, đến năm 2025 tăng thêm 100-150 để đạt tổng số 300-350 hội viên, phát triển mạnh năng lực nuôi biển (nhất là khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ); Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý và cơ chế hoạt động, phương thức kết nối nội bộ và với các cơ quan, tổ chức đối tác trong và ngoài nước; Đào tạo nguồn nhân lực; Liên kết chuỗi giá trị, kết nối cung cầu, kết nối đối tác đa ngành… Từ đó, phát triển bền vững ngành Nuôi biển công nghiệp Việt Nam.
Các đề án phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp bao gồm: Đề án tăng cường đào tạo nhân lực nuôi biển công nghiệp Việt Nam (công nhân nuôi biển và cán bộ quản lý các trại nuôi cá biển, nhuyễn thể, rong biển); Đề án phát triển hệ thống công nghiệp sản xuất giống hải sản sử dụng hệ thống RAS; Đề án phát triển sản xuất thức ăn công nghiệp cho hải sản nuôi, sử dụng các nguồn thay thế bột cá và dầu cá; Đề án phát triển công nghiệp nuôi trồng và chế biến rong tảo theo chuỗi liên kết để gia tăng giá trị rong tảo biển Việt Nam; Đề án xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở Trại nuôi cá biển; Đề án phát triển hợp tác quốc tế về nuôi biển công nghiệp (ASEAN, Mỹ, Na Uy, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản…)
Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Hữu Dũng đã đề cao yếu tố con người, thứ đến là vấn đề hợp tác (chính phủ, doanh nghiệp, ngư dân, cơ quan nghiên cứu khoa học). Hy vọng các hội viên sẽ nhanh chóng vượt qua dịch bệnh, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng trong hai năm qua.
Theo ông, hợp tác với các Bộ, ngành, địa phương để phát triển nuôi biển bền vững là mảng hoạt động sôi nổi, hiệu quả, gắn trực tiếp với nhiều hội viên ở các vùng miền. Hiệp hội đã hợp tác với các địa phương trọng điểm như Phú Yên, Quảng Ninh, mở mới hợp tác với Khánh Hòa và định hình hướng hợp tác phát triển với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, Hiệp hội còn kết nối với một số Bộ, ngành nhằm mở rộng phát triển nuôi biển như Hải quân, dầu khí, năng lượng, du lịch…
Đối với lĩnh vực khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng trong thời gian ngắn, Hiệp hội vẫn tổ chức được nhiều hoạt động khoa học công nghệ hỗ trợ cho các hội viên, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Cụ thể, trong năm 2021, Hiệp hội đã tổ chức, tham gia tổng cộng 17 hội nghị, hội thảo, diễn đàn chuyên đề về nuôi biển công nghiệp, xử lý môi trường, bảo tồn sinh thái biển, chuyển đổi số… và 19 cuộc làm việc, trao đổi, tham quan, giới thiệu, học tập các mô hình công nghệ tiên tiến, hỗ trợ hội viên tiếp cận một số kết quả nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ; 12 hoạt động hợp tác quốc tế.
Trong năm 2022, Hiệp hội sẽ ưu tiên công tác tiêu chuẩn hóa nghề nuôi biển ở Việt Nam, trước tiên là tiêu chuẩn cơ sở về trại nuôi cá biển; Kết nối với các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước để đào tạo nhân lực cho nghề nuôi biển. Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã khẳng định được vai trò thông qua các hoạt động của Hiệp hội, đã lan tỏa được ảnh hưởng, làm thay đổi nhận thức xã hội về nuôi biển, kinh tế biển Việt Nam.
Ngọc Thúy – FICen
Địa chỉ: 42 Trần Phú, Thị Trấn Diên Khánh, Tỉnh Khánh Hòa
Văn phòng: 34 Trần Phú, Thị Trấn Diên Khánh, Tỉnh Khánh Hòa
02583.780.781 hoặc 0901.135.126 – Fax: 02583.780.781- MST: 4201787225
menvisinhbioprokhanhhoa@gmail.com