Hiện nay thời tiết đang diễn biến phức tạp, chuyển mùa ở phía Bắc và Trung Bộ, đồng thời theo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi ngao hàng năm cho thấy môi trường vùng nuôi ngao là môi trường hở phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khí hậu, chế độ thủy triều.
Hiện tượng ngao chết thường tập trung vào thời điểm giao mùa, nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao kết hợp với nhiễm thứ cấp các yếu tố vi sinh như Vibrio gây bệnh ký sinh trùng Perkinsus là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của ngao nuôi.
Trong thời gian vừa qua đã xuất hiện hiện tượng ngao chết rãi rác ở một số địa phương. Bên cạnh nguyên nhân khách quan dẫn đến ngao chết là do thời điểm giao mùa, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, thời gian phơi bãi dài (>8giờ/ngày) còn có nguyên nhân quan trọng do người dân không tuân thủ quy trình nuôi, mật độ nuôi quá dày, ngao đang trong thời điểm sinh sản sức đề kháng giảm.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, thúc đẩy phát triển nghề nuôi ngao theo hướng bền vững, ngày 16/4/2019, Tổng cục Thuỷ sản có văn bản số 880/TCTS-NTTS về việc hướng dẫn, tăng cường quản lý nuôi ngao; trên cơ sở hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản và tình tình thực tế nghề nuôi ngao trong tỉnh, dưới đây xin lưu ý đến các hộ cơ sở nuôi ngao trong tỉnh một số lưu ý kỹ thuật theo chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản:
– Duy trì mật độ nuôi phù hợp. Đối với ngao chưa đạt cỡ thu hoạch cần kiểm tra mật độ để có kế hoạch chủ động san thưa, đảm bảo mật độ nuôi từ 80-120 con/m2 đối với cỡ giống nuôi từ 400 – 600 con/kg; dưới 250 con/m2 đối với cỡ giống nuôi từ 500 – 800 con/kg, 250 – 350 con/m2 đối với cỡ giống nuôi từ 800-2000 con/kg. – Người nuôi không nên thả giống ngao vào thời điểm thời tiết không thuận lợi; không nuôi ngao ở những vùng nước nông có thời gian phơi bãi dài từ 6 – 8h trở lên. Đối với ngao đạt cỡ thu hoạch (50-70 con/kg) cần khẩn trương thu hoạch tránh thiệt hại xảy ra.
– San phẳng mặt bãi nuôi, khai thông các vùng nước đọng lại ở các bãi nuôi ngao để tránh hiện tượng đọng nước cục bộ, giảm thiểu ảnh hưởng cảu nhiệt độ cao trong ngày làm ngao yếu và chết.
– Thường xuyên vệ sinh bãi nuôi, gia cố vệ sinh lưới vây tạo sự thông thoáng cho nước thủy triều lên xuống và cung chung tay bảo vệ môi trường vùng nuôi như: thu gom ngao chết trên bãi và xử lý đúng quy định tránh lây nhiễm bệnh, ô nhiễm môi trường chung.
– Thường xuyên quan sát bãi nuôi, khi có hiện tượng bất thường hoặc ngao bị chết, người nuôi cần có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời và thông báo ngay cho các cơ quan chức năng. Không đem ngao sống còn lại khu vực nuôi có hiện tượng chết tiếp tục thả nuôi ở bãi khác nhằm tránh lây lan dịch bệnh giữa các vùng nuôi.
Theo Chi Cục Thủy Sản Hà Tĩnh