1. Vai trò của tảo đối với sức khỏe của tôm
Nhiều vùng nuôi, người dân gây nuôi copepod làm thức ăn tự nhiên trước khi thả giống. Ngoài copepod, tôm cũng có thể ăn giun nhiều tơ ở đáy ao và tảo.
Khi tôm giống vừa thả xuống ao, chuyển từ hình thức ăn thức ăn lơ lững trong tầng nước sang tìm thức ăn dưới đáy ao. Vào đầu chu kỳ nuôi, lượng thức cho ăn tại ao ít hơn rất nhiều lần lượng ăn trong trại giống làm tôm bắt mồi không hiệu quả. Tôm có xu hướng ăn mùn bã và thức ăn tự nhiên trong ao nhiều hơn thức ăn công nghiệp. Nếu đáy ao chuẩn bị không tốt, chứa nhiều bùn dơ và vi khuẩn hoặc trong nguồn nước lấy vào chứa nhiều loài tảo độc hại và các hại khuẩn, khi tôm ăn những thứ này sẽ gây hại trực tiếp đến hệ thống tiêu hóa của tôm. Chuẩn bị nước có loài tảo tốt chiếm ưu thế là bước chuẩn bị ban đầu quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe cho tôm nuôi.
Theo nghiên cứu, tôm ấu niên có thể ăn các loài tảo có kích thước lớn hơn 10 nm. Trong trường hợp tôm không trực tiếp ăn tảo chúng cũng ăn các phiêu sinh động vật ăn tảo hoặc vi khuẩn trên xác tảo phân hủy.
Tảo silic làm thức ăn cho tôm Thalassiosira weissflogii
Tảo silic làm thức ăn cho tôm Amphiprora sp.,
Bên cạnh đó, tảo còn đảm nhận các vai trò như:
-
Tạo ra oxy.
-
Hấp thu NH3.
-
Cân bằng các thông số chất lượng nước.
-
Che đáy ao, hạn chế tảo đáy.
-
Ổn định nhiệt độ nước.
-
Cạnh tranh với các loài vi sinh vật gây hại khác.
2. Gây màu nước
Muốn gây tảo được dễ dàng, thì yếu tố đầu tiên là kiềm của nước ao phải đạt tối thiểu 90 ppm và pH trên 7,5.
Cách gây màu tảo bằng phân bón hóa học
Có thể áp dụng ở những ao mới xây dựng, ao nuôi trên nền đáy cát, ao có lót bạt đáy. Phương pháp này thường áp dụng trong thời gian đầu của chu kỳ nuôi.
Theo Fao, thấy rằng những ao nuôi có tảo silic chiếm ưu thế tôm phát triển tốt nhất, những ao có tảo roi (tảo giáp, tảo mắt) tôm phát triển tệ nhất. Hai loại tảo này có chế độ dinh dưỡng khác nhau. Tảo silic có tỉ lệ N:P = 20 – 30:1. Trong khi tảo roi có tỉ lệ N:P = 1:1.
Tỉ lệ N:P = 20 – 30:1 cũng đúng khi gây tảo trong ao. Tỉ lệ N:P theo trọng lượng được tính theo bảng:
Khi bón phân hóa học để gây màu, liều đầu tiên nên ở mức 0,95 ppm nitơ và 0,11 ppm phospho.
Ví dụ:
Ao 1 ha (10.000m2), có nước sâu 0,6 m. Vậy thể tích nước trong ao là 10.000 x 0,6 = 6.000 m3.
Ta có 1 ppm = 1 g/m3
Cần đạt hàm lượng 0,95 ppm nitơ trong ao nghĩa là cần sử dụng 6.000 x 0,95 = 5.700 g = 5,7 kg nitơ.
Cần đạt hàm lượng 0,11 ppm phospho trong ao nghĩa là cần sử dụng 6.000 x 0,11 = 660 g = 0,66 kg phospho.
Sau khi lượng dưỡng chất cần thiết đã được xác định, lượng phân bón dựa vào hàm lượng dưỡng chất chứa trong nó theo công thức:
Nếu ao bón phân ammonium sulfate chứa 21% nitơ thì lượng ammonium sulfate cần là: 5,7 / 0,21 = 27,1 kg.
Triple superphosphate chứa 39% phospho thì lượng Triple superphosphate là: 0,66 / 0,39 = 1,69 kg.
Một số loại phân và hàm lượng dinh dưỡng:
Khi bổ sung phân ammonium, hầu hết nitơ bị hấp thụ bởi các chất keo ở đáy ao trong vòng vài ngày và bị giữ chặt tại đây. Lượng nitơ bị hấp thu bởi đáy khi bón phân nitrat khá ít nên nitơ trong nước cao. Vậy nên việc lựa chọn loại phân bón nên tùy vào loại tảo muốn phát triển. Nếu muốn tảo thì dùng phân nitrat, nếu muốn tảo đáy (lab – lab) thì dùng phân ammonium.
Do phân bón bị hấp thu bởi nền đáy nên cần bón lượng nhỏ nhưng nhiều lần sẽ hiệu quả hơn, thường lập lại 7 – 10 ngày.
Cách tốt nhất để bón phân là bổ sung một lượng vừa phải sau đó quan sát mức độ phát triển của tảo và điều chỉnh lượng phân bón tiếp sau.
Dùng đĩa Secchi để xác định mức độ tảo như sau:
Độ cứng ảnh hưởng tới lượng phân bón trong ao. Lượng phosphate cần để duy trì mật độ phytoplankton thích hợp có thể nhiều hơn bình thường trong nước có độ cứng calci cao – đặc biệt là khi pH cao. Thí dụ, lượng phân phosphat cần cho ao có độ cứng quá 300 ppm tại Israel cao gấp 3 lần ao có độ cứng 45 ppm tại Alabama, USA để tạo ra cùng 1 sản lượng cá rô phi.
Hòa phân vào nước tạt xuống ao để tăng độ tan của phân. Nếu chưa đạt mật độ tảo như mong muốn có thể tăng tỉ lệ N:P.
Ao có độ kiềm thấp ( thấp hơn 90 ppm) nên bón vôi để tăng hiệu quả của phân. Tuy nhiên, nên bón vôi trước khi bón phân ít nhất 1 tuần.
Lưu ý:
-
Gây màu nước bằng phân hóa học có hiệu quả nhanh nhưng hạn chế lớn nhất của nó là “bạo phát bạo tàn”. Nếu sử dụng lượng phân quá lớn trong thời gian ngắn có thể làm tảo bùng phát trong ao và nhanh chóng tàn sau đó. Khi tảo tàn làm nước trong rất dễ dẫn tới tảo đáy phát triển.
-
Tảo và nền đáy sẽ hấp thụ hết lượng dưỡng chất trong nước nên phải bổ sung định kỳ phân hóa học nhằm duy trì màu nước ao nuôi.
-
Phân hóa học có thể trực tiếp tạo ra NH3 trong nước, nhất là phân urê. Một phân tử phân urê trực tiếp tạo ra 2 phân tử NH3, gây hại trực tiếp cho tôm giống. Cần hạn chế sử dụng phân urê gây màu nước.
-
Những ao nuôi lâu hoặc có sử dụng phân lân hạ phèn không nên dùng phân hóa học gây màu nước.
-
Rất khó kiểm soát loại tảo sẽ phát triển. Hai ao cạnh nhau, cùng một chế độ chăm sóc, nhưng tảo và vi sinh có thể khác nhau cả về số lượng lẫn chủng loại do mầm tảo và vi khuẩn trong hai ao có thể khác nhau. Tốt nhất là lấy một phần nước ở ao đã có màu đẹp, cho vào ao mới và rải cám để thúc đẩy tảo và vi sinh có lợi phát triển.
Gây màu nước bằng chất hữu cơ
Có thể sử dụng chất hữu cơ gây màu nước khi nước ao trở nên trong sau khi thả giống.
Một vài công thức gây màu nước bằng chất hữu cơ như sau:
Cách 1: cám gạo, bột đậu nành, bột cá phối trộn theo tỷ lệ 2:2:1. Nấu chín, ủ trong 2 – 3 ngày.
Lúc 7 – 8 giờ sáng: bón vôi đen Dolomite CaMg(CO3)2 hoặc vôi nông nghiệp CaCO3 liều lượng 20 – 30 kg/1000 m3. Lúc 10 – 12 giờ trưa: bón cám ủ liều lượng 3 – 4 kg/1000m3.
Lặp lại 2 bước trên liên tục trong 3 – 5 ngày đến khi độ trong của nước đạt 30 – 40 cm.
Cách 2: mật đường, cám gạo, bột đậu nành (tỷ lệ 3:1:3) ủ trong 12 giờ.
Lúc 9 – 10 giờ sáng: hỗn hợp bón mật đường, cám gạo, bột đậu nành đã qua ủ với liều lượng 2 – 3 kg/1.000m3 nước ao, tạt liên tục 3 ngày.
Cách 3: 2 kg thức ăn + 5 kg khoáng vi lượng + 2 kg rỉ đường + 100 g men-vi sinh, ủ có sục khí qua đêm. 9 – 10 giờ sáng hôm sau đánh xuống ao. Lập lại 3 ngày. Nếu màu nước chưa đạt có thể tiếp tục xử lý với một nữa liều, 2 ngày/lần.
8 – 9 giờ sáng là thời điểm thích hợp nhất để bón phân và khoáng gây màu nước
Lưu ý:
-
Với cách gây màu bằng chất hữu cơ, khi đo hàm lượng NH4+/NH3 trong nước đạt mức từ 0,5 ppm trở lên thì dừng bổ sung. Nếu nước vẫn chưa đạt màu vừa ý có thể đánh thêm vi khoáng vào lúc 9 – 10 giờ sáng trong vài ngày.
-
Sau khi thả giống, dùng phân hữu cơ gây màu không được dùng hơn 1 tuần.
Chelate đồng
Đôi khi nước không lên màu do một số loài tảo đáy hoặc sinh vật khác trong nước hấp thu dinh dưỡng, ăn tảo, ức chế tảo tăng sinh mật độ. Trong trường hợp này có thể dùng chelate đồng (Kill algae – Vemedim) đánh xuống ao với liều lượng 1 – 2 lít/ 1000 m3. Sau khi đánh, xử lý vi khoáng lúc 9 – 10 giờ sáng, trong 2 – 3 ngày nước sẽ lên màu (thường lên màu xanh lá).
Có thể áp dụng chelate đồng trước khi bón phân hữu cơ hoặc phân vô cơ nhằm tăng hiệu quả gây màu.
3. Nguyên nhân làm khó gây màu nước
Nước ao nuôi thiếu dưỡng chất cho tảo phát triển: hiện tượng này rất thường gặp ở những ao mới xây dựng, ao nuôi trên nền đáy cát, ao có lót bạt đáy hoặc ao bị nhiễm phèn.
Đối với ao có phèn đáy, nên rữa sạch phèn trước khi bắt đầu vụ nuôi. Khi không rữa phèn mà xử lý hóa chất có thể làm các muối kim loại kết tủa xuống đáy ao, làm giảm tác dụng của phân bón gây màu.
Dùng hóa chất diệt khuẩn liều cao: chlorine dùng liều cao có thể diệt toàn bộ mầm tảo trong ao. Nếu trong nước ao có NH3, chlorine sẽ kết hợp với NH3 thành chất gây độc cho sinh vật, tích lũy xuống bùn hoặc tan trong nước gây chết tảo. Đối với những ao này nên thay nước từ từ bằng nước ao lắng có tảo.
Tảo đáy (lab lab), rong đáy mọc dưới đáy ao: thường gặp trong ao có thời gian chuẩn bị dài, tảo phát triển và hấp thu hết chất dinh dưỡng trong nước sẽ tàn xuống đáy. Khi này, các loài rong tảo đáy phát triển trên nền xác tảo chết.
Có thể xử lý lab – lab bằng chelate đồng. Đối với rong lớn, nên vớt thủ công.
Rong và lab-lab mọc ở ao nước trong
Các loài nhuyễn thể ăn tảo: lượng lớn hến trong ao cũng làm nước bị trong do chúng ăn lọc tảo. Cách tốt nhất là cào hến thủ công, cũng có thể áp dụng chelate đồng. Hến chết thường gây ra rất nhiều chất độc trong nước nên cần cẩn thận khi xử lý.
Trích Nghề Tôm Tép
Địa chỉ: 42 Trần Phú, Thị Trấn Diên Khánh, Tỉnh Khánh Hòa
Văn phòng: 34 Trần Phú, Thị Trấn Diên Khánh, Tỉnh Khánh Hòa
02583.780.781 hoặc 0901.135.126 – Fax: 02583.780.781- MST: 4201787225
menvisinhbioprokhanhhoa@gmail.com