Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và năm 2022

Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và năm 2022

Sáng 12/10, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và năm 2022” để đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn, tăng giá trị cho ngành tôm trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo hội nghị với sự tham dự của Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cùng nhiều đơn vị, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp liên quan đến ngành tôm.

 

 

Năm 2021, mặc dù ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động thời tiết, khí hậu bất thường, ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành, địa phương vào cuộc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và sự đồng lòng, chung tay, chia sẻ khó khăn của người dân, doanh nghiệp nên kết quả nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt kết quả tốt. Theo đó, diện tích tôm nước lợ thả nuôi ước đạt 740.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú 630.000ha, còn lại là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng tôm nuôi ước 11 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 902.000 tấn, tăng gần 2% so năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tháng đầu năm 2021 đạt 3,2 tỷ USD (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020). Ước kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm đạt 3,8 tỷ USD (tăng 2,7% so với năm 2020).

Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhận định: Mặc dù ngành hàng tôm đã đạt được nhiều kết quả như trên, nhưng trên thực tế trong tháng cuối cùng của năm 2021 vẫn còn bộn bề nhiều việc cần xử lý.

Theo nhận định từ các bộ, ngành và Hiệp hội, trong tháng cuối năm 2021 và năm 2022, khó khăn đặt ra đối với ngành tôm Việt Nam là tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, kéo theo hệ luỵ thiếu nhân công và nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất; giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao so với các nước trong khu vực, công tác giám sát dịch bệnh trên tôm vẫn còn nhiều hạn chế; các buổi Hội thảo, Hội nghị chuyên đề khó diễn ra theo kế hoạch bởi sự hạn chế về số lượng đại biểu tham dự để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Để tháo gỡ khó khăn, phục hồi một cách tốt nhất ngành tôm theo yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng dịch COVID-19.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ, thị trường thuận lợi, giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để ngành tôm Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tận dụng tốt cơ hội nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài. Việc Việt Nam đang tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng là cơ hội thuận lợi để nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm thì năng suất và chất lượng là 2 yếu tố then chốt. Vì vậy phải chú trọng các yếu tố nguyên liệu đầu vào đặc biệt là con giống, hạ tầng trong chuỗi sản xuất tôm.

Để đạt kế hoạch sản xuất thủy sản năm 2022, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo hướng liên kết dọc giữa các nhà, giữa các ngành liên kết với các cơ sở sản xuất để đảm bảo sản xuất an toàn, hạ giá thành; tăng cường công tác quan trắc; tăng cường ứng dụng khoa học –  công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý các ngành cần triển khai hiệu quả một số Đề án, Chương trình đã được phê duyệt, đồng thời nhấn mạnh: Cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp theo từng giai đoạn, đảm bảo sản xuất tôm nước lợ không bị động trong bối cảnh dịch COVID-19./.

V.A (tổng hợp)

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Zalo