Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh tái đàn, phục vụ nhu cầu thị trường tiêu dùng dịp cuối năm cũng như Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trước nguy cơ bùng phát dịch cao, hiện ngành Nông nghiệp Hà Nội và các địa phương trên cả nước đang tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để bảo đảm đầy đủ nguồn cung thực phẩm cho thị trường.
Phun khử trùng chuồng trại phòng dịch bệnh tại một cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Quang
Nguy cơ bùng phát dịch rất cao
Ông Vũ Văn Thìn ở xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên) cho biết: “Trang trại của gia đình tôi đang nuôi 2.000 vịt thương phẩm. Trước thông tin dự báo thời tiết từ nay đến cuối năm có nhiều diễn biến bất thường, tôi đang theo dõi chặt chẽ để bảo đảm sức khỏe cho đàn vật nuôi, tránh xảy ra dịch bệnh”.
Trong khi đó, bà Lại Thị Ngợi ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) chia sẻ, cuối năm 2020 và đầu năm 2021, trang trại của gia đình bà bị thiệt hại hàng chục triệu đồng do đàn gia cầm bị mắc bệnh cúm gia cầm. Hiện tại, trang trại đang nuôi 2.000 con và gia đình bà rất lo lắng trước nguy cơ dịch bệnh vốn lây lan mạnh trong điều kiện độ ẩm cao và nhiệt độ lạnh.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, hiện dịch bệnh trong chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội cơ bản được kiểm soát, nhưng bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục ở trâu bò vẫn xảy ra nhỏ lẻ. Tổng đàn gia súc, gia cầm của thành phố lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao (gần 60%) nên việc quản lý dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. “Việc vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật ra – vào thành phố dịp cuối năm sẽ tăng cao và khó kiểm soát nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi là rất lớn”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhận định.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long thông tin: “Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã gây thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng cho người chăn nuôi. Từ nay đến cuối năm, thời tiết tiếp tục có những bất lợi như mưa, rét ở các tỉnh phía Bắc tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Mặt khác, người dân có nhu cầu tăng đàn mạnh phục vụ thị trường cuối năm nhưng chăn nuôi phần lớn chưa bảo đảm điều kiện về an toàn sinh học cũng như tiêm phòng vắc xin theo khuyến cáo… nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh”.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho gà tại một trại chăn nuôi trên địa bàn xã Tiên Dương (huyện Đông Anh). Ảnh: Quang Thái
Không để “dịch chồng dịch”
Thời gian tới, để tránh tình trạng “dịch chồng dịch” (dịch bệnh động vật và dịch Covid-19), các địa phương cần tập trung nguồn lực để tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: “Trước nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ phát sinh, các địa phương cần có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; đồng thời hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng ngừa dịch bệnh… Cùng với đó là tập trung đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, các vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh; đặc biệt là các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) để phục vụ xuất khẩu”.
Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã, đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực mạng lưới thú y cơ sở, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới là vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa triển khai nhiệm vụ chuyên môn phù hợp với chỉ đạo của thành phố. Ngành Nông nghiệp thành phố sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu – đông và các tháng cuối năm đạt tỷ lệ hơn 80% tổng đàn; thực hiện các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường trên địa bàn… Các địa phương cần giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cơ sở để phát hiện, xử lý kịp thời khi phát sinh ổ dịch; đồng thời tăng cường các giải pháp kiểm dịch và kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào thành phố, nhất là dịp cuối năm.
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh thông tin: “Là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nên huyện đã chủ động yêu cầu các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về những biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tới tất cả hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi và người dân trên địa bàn. Hình thức tuyên truyền đa dạng hơn để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Huyện cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh như: Không chủ động khai báo với cơ quan chức năng, vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường…”.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, từ nay đến cuối năm, huyện sẽ tăng cường quản lý việc vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn; đẩy mạnh kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc cũng như kiểm tra vệ sinh thú y nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm đến người dân với phương châm “phòng dịch tốt thì không phải chống dịch”.
Tập trung phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi là một trong những giải pháp quan trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng – dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Ngọc Quỳnh