Năm 2021, ngành Nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê, trong Quý IV/2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%.

Ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58% so với năm trước (cụ thể: quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%). Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản : ngành nông nghiệp tăng 3,18%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,88%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 1,73%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 40,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,83%.

Doanh nghiệp lạc quan hướng tới năm mới 2022

Năm 2021, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt trong quý III/2021, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội kéo dài làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời cùng với việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ (Nghị quyết 128) để ổn định và phát triển sản xuất, đạt mức tăng trưởng cao. Kết quả hoạt động năm 2021 của ngành Nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Quý IV/2021, sản xuất công nghiệp khởi sắc ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết 128, với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%.

Trong năm 2021, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài đã tác động tiêu cực đến gia tăng số lượng doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 đạt gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm 2020; 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% (trong đó phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ).

Việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết 128 trên phạm vi toàn quốc đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Kết quả điều tra cho thấy doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.

Cũng trong quý IV/2021, hoạt động thương mại, vận tải trong nước, khách du lịch quốc tế dần khôi phục trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2021 tăng 28,1% so với quý trước; vận tải hành khách tăng 48,4%, luân chuyển hành khách tăng 51,3% và vận chuyển hàng hóa tăng 31,8%, luân chuyển hàng hóa tăng 28,4%; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 62,7%.

Năm 2021, đứng trước bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành lãi suất phù hợp, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định; thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu năm 2021 tăng 45,5% so với cuối năm trước.

Nếu xét tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội giai đoạn 2017-2021 thì thấy vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2021 là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua: Năm 2017 tăng 13,5%; năm 2018 tăng 11,0%; năm 2019 tăng 10,1%; năm 2020 tăng 5,0%; năm 2021 tăng 3,2%. Tuy nhiên, đây là kết quả khả quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả ở trong nước và trên thế giới.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế tiếp tục phục hồi giúp cho thu ngân sách Nhà nước ước tính cả năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng và vượt dự toán năm. Chi ngân sách Nhà nước tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế

Trong tháng 12/2021, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 66,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2021, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,2%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,1%, giảm 0,2 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,1%, bằng năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 11/2021 đạt 30,61 tỷ USD, cao hơn 810 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 12/2021, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 32 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2021, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 89,07 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,2% so với quý III/2021. Tính chung năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 114,07 tỷ USD, tăng 21,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 218,18 tỷ USD, tăng 29,1%. Trong năm 2021 có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 95,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỷ USD. Năm 2021 xuất siêu sang EU ước đạt 23 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 54 tỷ USD, tăng 53%; nhập siêu từ Hàn Quốc 34,2 tỷ USD, tăng 22,9%; nhập siêu từ ASEAN 12 tỷ USD, tăng 63,1%; nhập siêu từ Nhật Bản 2,4 tỷ USD, tăng 127,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 11 xuất siêu 1,26 tỷ USD; 11 tháng xuất siêu 1,46 tỷ USD; tháng 12 ước tính xuất siêu 2,54 tỷ USD. Tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD (so với năm 2020 xuất siêu 19,94 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 29,36 tỷ USD.

Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và công tác giảm nghèo bền vững

Quý IV/2021 tình hình lao động, việc làm khởi sắc so với quý trước nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tính chung năm 2021 cao hơn năm trước trong khi số người có việc làm, thu nhập của người làm công hưởng lương thấp hơn năm trước.

Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV/2021 ước tính là 49,1 triệu người. Tính chung năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49 triệu người, bao gồm 14,2 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 0,3% so với năm trước.

Dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, số ca mắc mới tiếp tục tăng tại nhiều địa phương; số bệnh nhân nặng và số ca tử vong chưa giảm. Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư. Tuy nhiên, công tác an sinh xã hội định kỳ và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện ngay cả trong điều kiện dịch bệnh.

Nhìn lại năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Song, kinh tế – xã hội Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng và đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự nỗ lực thực hiện của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.

Ngọc Thúy – FICen

Chia sẻ bài viết:
BÀI VIẾT KHÁC
8
ỨNG DỤNG BACILLUS SUBTILIS TRONG SẢN XUẤT PHÂN BÓN VI SINH
CREATOR: gd-jpeg v1
ỨNG DỤNG CỦA CHẾ PHẨM VI SINH TRONG NGÀNH CHĂN NUÔI
Tác dụng lợi khuẩn Lactobacillus trong chăn nuôi
Tác dụng của chế phẩm Probiotic sử dụng trong chăn nuôi
Sử dụng men tiêu hóa trong chăn nuôi heo
8
ỨNG DỤNG BACILLUS SUBTILIS TRONG SẢN XUẤT PHÂN BÓN VI SINH
CREATOR: gd-jpeg v1
ỨNG DỤNG CỦA CHẾ PHẨM VI SINH TRONG NGÀNH CHĂN NUÔI
Tác dụng lợi khuẩn Lactobacillus trong chăn nuôi
Tác dụng của chế phẩm Probiotic sử dụng trong chăn nuôi
Sử dụng men tiêu hóa trong chăn nuôi heo
NGUYÊN LIỆU
DANH MỤC SẢN PHẨM